Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại thị xã An Khê và huyện Kbang

Cập nhật 10/3/2022, 17:03:42

Hôm nay (10/3), đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid – 19 tỉnh đi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thị xã An Khê và huyện Kbang.
Cùng đi với đoàn công tác của Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid – 19 của tỉnh có đoàn công tác do Tiến sĩ Viên Chinh Chiến – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên làm trưởng đoàn.

Theo kiểm tra thực tế về công tác chuẩn bị hệ thống oxy tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê, hiện đơn vị đã được đầu tư cả hệ thống oxy lỏng và oxy bình phục vụ cho việc điều trị bệnh nhân Covid – 19 trung bình, bệnh nhân có bệnh lý nền  hoặc những ca nhiễm Covid – 19 không đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà. Tuy nhiên, qua kiểm tra tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê, đồng chí Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thị Thanh Lịch cho rằng: hiện nay mặc dù bệnh viện đã được đầu tư hệ thống oxy lỏng, trong khi đó đơn vị vẫn sử dụng oxy bình là chưa tiết kiệm. Ngoài ra, việc chuẩn bị hệ thống oxy trung tâm không chỉ phục vụ riêng cho bệnh nhân nhiễm Covid – 19 mà phải tính toán đến việc phục vụ cho cả những bệnh nhân mắc các bệnh thông thường.

Hiện thị xã An Khê đang ở cấp độ 3 (mức nguy cơ cao), vì vậy đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu Trung tâm Y tế thị xã An Khê phải xác định ngay vai trò của mình đó là trở thành Trung tâm cấp cứu vùng phía Đông của tỉnh Gia Lai. Do đó, ngoài sử dụng 30 giường bệnh điều trị các ca nhiễm Covid – 19 thì Trung tâm Y tế thị xã An Khê phải nâng mức điều trị lên 100 giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid – 19 trong thời gian sớm nhất để đáp ứng nhu cầu thu dung, điều trị. Giữ nguyên tắc “thời gian vàng” để cứu chữa bệnh nhân, sau đó mới tính đến việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Đến thăm các ca F0 đang cách ly, điều trị tại nhà ở làng Bờ Ngăl, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý: huyện Kbang có diện tích rộng, người đồng bào DTTS đông, trong khi đó nhân lực y tế mỏng thì địa phương phải tính toán ngay đến phương án phân tầng điều trị, có thể phân tầng quản lý các ca F0 ngay tại  khu/cụm dân cư, mà người trực tiếp quản lý F0 có thể là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố,…

Tham gia đóng góp ý kiến về chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch Covid – 19, Tiến sĩ Viên Chinh Chiến – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên nêu lên 4 vấn đề mà  các địa phương của tỉnh Gia Lai cần đặc biệt quan tâm đó là: công tác quản lý F0 tại nhà đối với trường hợp chưa tiêm vắc xin phòng Covid – 19, những người có bệnh lý nền, người dân từ 65 tuổi trở lên; sử dụng đội ngũ tổ Covid cộng đồng như tổ điều trị dã chiến; không nên để F0 tự ý đến Trạm Y tế xã/phường để test nhanh kháng nguyên SARS – CoV – 2 hoặc tự ý mua thuốc điều trị; có hướng dẫn cụ thể về quản lý chất thải, rác thải đối với F0 cách ly, điều trị tại nhà hoặc nơi lưu trú./.

Lệ Xuân – Huy Toàn


Lượt xem: 28

Trả lời