Phát triển các sản phẩm OCOP – Góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất

Cập nhật 14/9/2020, 08:09:20

Ngày 23-1-2019, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 34/QĐ-UBND phê duyệt Đề án chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Sau hai năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh đã bước đầu ghi dấu ấn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn đồng thời phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Hiệu quả bước đầu mang lại từ chương trình đã thổi được làn gió mới vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp một cách bền vững.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang được biết đến trong lĩnh vực sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Bên cạnh đó, các sản phẩm của HTX này như tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu sọ cũng đã đạt được các chứng nhận hữu cơ do các tổ chức uy tín của quốc tế cấp. Đặc biệt, năm 2019, HTX tham gia chương trình OCOP và đã có sản phẩm được chứng nhận 4 sao. Từ khi tham gia vào chương trình các sản phẩm được chú trọng hơn về nhãn mác, đóng gói, hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Đây được xem như là bước đệm quan trọng góp phần đưa sản phẩm của HTX ra cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, không chỉ là thị trường trong tỉnh, trong khu vực mà còn vươn ra cả thị trường xuất khẩu.

Anh Bùi Tấn Công- Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa cho biết: “ HTX có 3 sản phẩm đạt  OCOP 4 sao. Chúng tôi có cơ hội tiếp cận được thị trường lớn hơn, những thị trường khó tính hơn. Vì chúng tôi đã trải qua những bước kiểm tra rất nghiêm ngặt từ sản xuất, thương hiệu đến quy trình. Khi vào được hệ thống siêu thị, vào các chuỗi sẽ mang lại lợi ích cao hơn, được nâng tầm hơn. Chúng tôi đang phấn đấu để nâng cấp được lên 5 sao để có thể mang nông sản tốt nhất ra thị trường quốc tế”.

Toàn tỉnh hiện có 42 sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất đạt 3-4 sao cấp tỉnh. Tất cả sản phẩm này đều sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và có hợp đồng liên kết cung cấp nguyên liệu với người dân địa phương. Khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm tiêu thụ tăng khoảng 20% so với thời điểm trước đó. Đồng thời các HTX, hộ dân đã thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn và nhất là đã hình thành được liên kết chuỗi, tạo thành vùng hàng hóa bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Các sản phẩm được doanh nghiệp, HTX và hộ dân đăng ký tham gia chương trình đều được sản xuất với chất lượng cao theo tiêu chuẩn của OCOP, qua đó hướng đến tạo được thương hiệu và có chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Chị Nguyễn Thị Thúy Phượng- Cơ sở bò khô Tùng Phương du ký, thành phố Pleiku cũng nói: “Tham gia vào OCOP mình biết được các sản phẩm nào ưu điểm để rút kinh nghiệm cho mình. Mình có sự liên kết với các sản phẩm với nhau, mình sẽ có sự chọn lựa, giảm được thời gian và chi phí. Sau khi tham gia vào chương trình thì mình nâng cao nhận thức về các sản phẩm đặc trưng của tỉnh nên tất cả mọi khâu từ đóng gói, đầu vào, tất cả đều phải khắt khe”.

Gia Lai là tỉnh có lợi thế về nhiều mặt khi triển khai chương trình OCOP. Trong đó nổi bật nhất là có đa dạng các sản phẩm, từ sản phẩm nông nghiệp đến sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm dịch vụ… Để khơi dậy được những tiềm lực này thì các địa phương, các ban ngành liên quan và bản thân mỗi người dân cần phải chú trọng đến  việc thay đổi mô hình sản xuất, quy mô sản xuất ở khu vực nông thôn.  Đồng thời, hệ thống chính trị của các địa phương cũng cần vào cuộc hỗ trợ tích cực hơn để nâng cao chất lượng và hiệu quả chương trình.

Ông Y Nguyên Ê Nuôl- Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn, Sở NN & PTNT Gia Lai nói: “Sau khi công nhận sản phẩm OCOP để duy trì phát triển sản phẩm và tạo thương hiệu trên địa bàn tỉnh thì chúng tôi đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Ngoài ra các sản phẩm đã công nhận 3 sao trở lên sẽ tiếp tục củng cố để nâng lên 4 sao. Từ 4 sao lên 5 sao. Đặc biệt có những trang bán hàng liên kết với các tỉnh”.

Năm 2020, Gia Lai phấn đấu có thêm hơn 50 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, đồng thời củng cố chất lượng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đã được công nhận năm 2019. Đề án triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm tại Gia Lai được kỳ vọng sẽ đưa hoạt động sản xuất ở khu vực nông thôn phát triển theo chiều sâu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và tiến đến xuất khẩu, trở thành một chương trình phát triển kinh tế trọng tâm ở khu vực nông thôn của tỉnh.

Nhâm Dung- Minh Trí- Phi Long


Lượt xem: 75

Trả lời