Phân cá – Món quà kỳ diệu cho cây và đất

Cập nhật 28/1/2022, 09:01:18

Hiện nay, một trong những biện pháp hữu hiệu để sản xuất nông nghiệp sạch là ứng dụng rộng rãi các phế phẩm sinh học, sử dụng phân hữu cơ vi sinh nhằm thay thế các hóa chất bảo vệ thực vật và các loại phân hóa học có tác động xấu đến môi trường, nhằm cải tạo chất đất, nâng cao năng suất cũng như chất lượng nông sản. Và có lẽ với những ai gắn bó với nghề nông thì tác dụng của đạm cá đối với cây trồng không còn là vấn đề xa lạ. Phân cá – được đánh giá là một món quà kỳ diệu dành cho đất và cây trồng, đặc biệt là cho cây ăn trái và rau màu. Trong chương trình Thời sự hôm nay, mời quý vị và các bạn đến xã Ia Peng, huyện Phú Thiện để gặp gỡ bà Trần Thị Hồng Yến đã áp dụng thành công phương pháp làm ủ phân vi sinh từ cá và các phế phẩm nông nghiệp, đem lại kinh tế cao cho gia đình và các hộ lân cận trên địa bàn.

Câu chuyện làm nông nghiệp sạch của bà Trần Thị Hồng Yến bắt đầu từ cảm nhận sức khỏe của bản thân và mong muốn làm nông nghiệp sạch để đem lại sức khỏe tốt cho người tiêu dùng. Là người trồng rau lâu năm ở Phú Thiện, bà Yến cảm nhận sức khỏe của mình ngày một yếu đi, nhất là sau mỗi lần sử dụng phân bón hóa học. Bà Yến lên mạng tìm tòi các phương pháp làm phân vi sinh. Nghĩ là làm, bắt đầu từ thử nghiệm với phân bò, rồi sau đến dùng các chế phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, sả, ớt… Và đến nay, bà Yến đã thành công với phương pháp ủ phân vi sinh từ cá.

Bà Trần Thị Hồng Yến – Thôn Sô Ma Hang B, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện nói: “Tôi thấy là được lắm! Từ ngày sử dụng phân bón từ cá này tôi khỏe người hẳn. Năng suất thì nó chậm hơn tý, như người ta cả thuốc cả phân hóa học thì 50 ngày, còn dùng phân vi sinh này thì nó chậm hơn 10 ngày, phải mất 60 ngày mới được 1 lứa rau, nhưng bù lại sản phẩm của nhà tôi không bao giờ có dư, cứ cắt là xe đến lấy hết. Trước tiên là do người tiêu dùng họ cũng cảm nhận được nên đầu mối họ dặn trước hết. Nên tôi cảm thấy là phương pháp sinh học này bà con chúng ta nên tiếp cận và nên phát huy”.

Công thức làm phân cá vi sinh của bà Yến không quá khó. Chỉ với nguyên liệu là các phế phẩm sinh học dễ tìm, có giá thành rẻ như đầu cá, ruột cá, mật mía, men tiêu hóa, sữa chua, men rượu, sả, ớt…pha trộn theo tỉ lệ và ủ trong vòng 01 tháng, sau đó mang ra lọc và pha với nước là có thể bón trực tiếp cho cây trồng. Thời điểm phun và tưới phân cá tốt nhất là buổi sáng và khoảng chiều muộn. Theo bà Yến, trung bình 1 lít phân cá chỉ tốn chi phí khoảng tầm 10 ngàn đồng, rẻ hơn nhiều so với phân hóa học. Với diện tích 01 ha, trung bình 1 vụ rau bà tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng mà năng suất và chất lượng rau còn cao hơn hẳn. Chính vì vậy, rất nhiều hộ dân trên địa bàn đã đến tham quan và học tập kinh nghiệm từ mô hình trồng rau ngót từ phân cá của gia đình bà.

Bà Đàm Kim Liên – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Peng, huyện Phú Thiện cho biết: “Thật sự là rất tuyệt vời khi có một hội viên đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật thành công, rất là chịu khó học hỏi  vườn của cô đã mở rộng diện tích, tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo sản phẩm sạch cung ứng ra thị trường. Cô còn giúp đỡ cho các nhà vườn khác để nhân rộng mô hình của mình. Qua đánh giá thì cô Yến thật sự rất suất sắc để mọi người học hỏi theo”.

Để công thức ủ cá làm phân vi sinh thành công như hôm nay, một phần là nhờ vào sự kiện vào đầu năm 2021, Hội Nông dân huyện Phú Thiện đã phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ sinh học Việt Mỹ mời các chuyên gia hóa sinh, trong đó có PGS-TS Phạm Tiến Dinh là chuyên viên tư vấn cấp cao của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn làm nông nghiệp sạch cho nông dân trên địa bàn. Gia đình bà Yến và 3 hộ nông dân khác đã mạnh dạn tham gia cùng với các nhà khoa học trồng thử nghiệm và áp dụng rộng rãi phương pháp sử dụng phân vi sinh từ các phế phẩm sinh học, mà cụ thể tại vườn rau của bà Yến là dùng cá là nguyên liệu chính làm phân vi sinh. Tư duy đúng đắn, chịu khó học hỏi, mạnh dạn thay đổi, cùng với sự hướng dẫn tận tình của PGS-TS Phạm Tiến Dinh, bà đã có được công thức ủ cá làm phân vi sinh, không gây mùi. Đặc biệt, sau 01 năm áp dụng, vườn rau ngót nhà bà Yến đã đạt năng suất vượt trội, gấp 03 lần so với trước.

PGS-TS Phạm Tiến Dinh – Chuyên viên tư vấn cấp cao của Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận xét: “So sánh các luống rau, một bên sử dụng chăm sóc bằng các chế phẩm sinh học và một bên tưới phân NPK, đầu tiên là về chi phí là rẻ hơn, cây khi ra bông nó kéo dài thêm 8 ngày so với dùng NPK, nhưng đến ngày thứ 13 thì cây nó vượt trội hơn. Nhưng quan trọng nhất là cái đất là nó được cải tạo, trong đất đã có được rất nhiều vi sinh vật có lợi cho đất . Tôi vui lắm, thứ nhất sản phẩm bây giờ của cô Yến bây giờ bên cạnh người ta bán 4 nghìn mà cô ấy bán 10 nghìn mà không đủ bán . Cô ấy gọi điện bảo tôi là “Thầy ơi, nhờ gặp thầy, Tết năm nay nhà em ăn Tết to, em mổ con lợn mời thầy xuống, nhưng tôi bảo tôi không xuống được”.

Tin vui hơn nữa, là mới đây đất tại vườn rau của bà Yến đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT kiểm tra và xác định đạt 85% là đất sạch và chỉ trong vòng vài tháng nữa chắc chắn chất đất sẽ đạt 100% đất sạch. Và hiện gia đình bà cũng đã được nhiều công ty đặt vấn đề thu mua và đưa sản phẩm rau ngót của gia đình bà vào bán ở siêu thị với năng suất 30 tấn/vụ rau. Hy vọng trong năm Nhâm Dần 2022, sản phẩm rau sạch của gia đình bà Yến không chỉ có mặt tại các siêu thị lớn nhỏ, mà còn vươn xa hơn khẳng định thương hiệu rau sạch Phú Thiện – theo đúng tâm tư, nguyện vọng và ước mơ mà bà Yến đã và đang theo đuổi./.

 Trương Trang, Minh Trung


Lượt xem: 6

Trả lời