Nông dân Gia Lai phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Cập nhật 24/1/2019, 09:01:41

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là con đường ngắn nhất giúp thu hẹp khoảng cách về công nghệ và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và nông dân  trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã không ngừng nỗ lực trong việc phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí góp phần tăng năng suất, cung ứng được nông sản sạch phục vụ cho thị trường. Từ những kết quả đã đạt được sẽ là động lực cho tỉnh đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ cao trong năm tới với những kết quả nổi bật hơn.

Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm là nền tảng bước đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của Gia Lai. Nếu như năm 2016, toàn tỉnh chỉ có khoảng 3.000 ha cây trồng áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm thì đến nay diện tích này đã mở rộng lên hơn 23.000 ha. Ngoài hệ thống tiết kiệm như: Tưới béc, tưới phun mưa tại gốc, tưới nhỏ giọt,…thì nông dân mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới hoàn toàn chủ động, điều khiển và quản lý bằng các chương trình, trang thiết bị hiện đại. Hệ thống tự động cung cấp dinh dưỡng theo nhu cầu của cây trồng, mục tiêu năng suất, chất lượng mong muốn của người làm. Vì vậy, nhiều loại cây khó trồng ở môi trường tự nhiên thì việc sản xuất ứng dụng công nghệ cao đã được thực hiện thành công.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương đất An Phú, thành phố Pleiku, Gia Lai cho biết: “Trong sản xuất, chúng tôi đã nghiên cứu và áp dụng những thành tựu khoa học trong trồng trọt, sản xuất những giá trị kinh tế cao. Những thứ chúng tôi đã chuẩn bị kiến thức, khoa học, kỹ thuật và đầu tư những thiết bị máy móc, nâng cao dây chuyền sản xuất những cây trồng có giá trị cao.”

Hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, nông dân đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu và đầu tư máy móc để phục vụ sản xuất. Họ tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình sản xuất thành công ở các địa phương. Từ đó, mạnh dạn áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất như: Hệ thống tự động, bán tự động trong các khâu làm đất gieo trồng, cung cấp phân bón, thu hoạch, chế biến. Cùng với đó, mô hình trồng rau thủy canh, hữu cơ đang được đẩy mạnh áp dụng đã mang lại những hiệu quả tích cực,  giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, diện tích cũng như công lao động.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cũng nói:  “Ứng dụng công nghệ cao thì mình thấy thay đổi hoàn toàn luôn, thay đổi suy nghĩ của mọi người là khi đầu tư công nghệ cao là mình tiết kiệm rất nhiều, như là chi phí nhân công. Một hộ không làm được phải thuê nhân công, ứng dụng công nghệ cao vô tiết kiệm rất là nhiều,tiết kiệm thời gian.”

Thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng 155 điểm cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 3 ngàn ha, sản xuất trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP 688 ha, nông nghiệp hữu cơ 46 ha. Theo kế hoạch đến năm 2020, tỉnh Gia Lai phấn đấu sẽ có 500 ha cây trồng ứng dụng công nghệ cao, trong đó tập trung hình thành và công nhận vùng sản xuất rau, lúa và hồ tiêu. Với mục tiêu phấn đấu sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 3 -5% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai trao đổi: “Xác định lấy người dân, chủ trang trại và các doanh nghiệp, chúng tôi phục vụ kết nối chuyển giao công nghệ mới vào trong lĩnh vực sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trong các lĩnh vực chế biến tạo ra các sản phẩm mới của các doanh nghiệp.”

Trong lộ trình thực hiện ứng dụng công nghệ cao, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo giới thiệu công nghệ và hướng dẫn người dân có thêm kỹ thuật đầu tư sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi liên kết, phát triển thương mại – dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nhằm nâng cao giá trị nông sản, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm và mở ra hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Thúy Diện, R’Piên


Lượt xem: 79

Trả lời