Ngày Xuân, chiêm ngưỡng nghệ thuật tượng gỗ dân gian

Cập nhật 23/1/2014, 15:01:12

Trong kho tàng văn hóa đời sống của nhân dân các dân tộc Kon Tum, không thể không kể đến một loại hình nghệ thuật độc đáo, đó là tạc tượng gỗ dân gian. Khi nhắc đến tượng gỗ dân gian ở Kon Tum, đó là nghệ thuật tạo hình mang sắc thái riêng và khá là độc đáo, được nhân dân thể hiện qua những qua kiến trúc nhà rông, nhà ở, những hình ảnh đời sống của con người lao động, gần gũi với thiên nhiên, những con vật nuôi trong gia đình… Tượng gỗ dân gian không chỉ được trưng bày, tô điểm cho nhà rông các điểm giao lưu văn hóa… mà đặc biệt đối với các dân tộc như Ba Nar, Gia Rai, tượng gỗ dân gian còn bày tỏ ý niệm tâm linh giữa những người trong gia đình đang sống và với những người thân trong gia đình đã mất.

 

Mô hình làng bản tạc bằng tượng gỗ

Đã bao đời nay vẫn vậy, những pho tượng gỗ dân gian được tạc đẽo thô mộc, dãi dầu mưa nắng nhưng luôn mang đến cho người xem cảm giác mà trong đó vừa ẩn chứa hồn thiêng vừa như toát lên cốt cách con người, núi rừng, Tây Nguyên… Những dân tộc anh em của núi rừng Kon Tum có chung một niềm đam mê trong cuộc sống tinh thần là tạc tượng gỗ dân gian, họ yêu thương con người, yêu thiên nhiên cây cỏ, yêu sông, yêu suối, yêu đời sống văn hóa lễ hội.

Vườn tượng tại khu DLST quốc gia Măng đen

Với lối tư duy và thủ pháp tạo hình mang tính biểu trưng, ước lệ và thô sơ, và đôi bàn tay khéo léo những bức tượng qua những cái phát rìu, những đường phạt khỏe khoắn, thoạt nhìn có vẻ thô mộc, nhưng càng ngắm, càng thưởng ngoạn người xem mới cảm thấy mình như hòa vào chính đời sống của người nghệ nhân, cảm nhận nắng gió vời vợi của đại ngàn. Qua những thân gỗ do chính nghệ nhân lựa chọn, những khối gỗ hình tròn, chỉ qua sự đẽo gọt bằng rìu, qua bàn tay của các nghệ nhân đã tạo ra những khối hình với những đường nét, góc cạnh đơn giản, mộc mạc mà phác họa hết tình yêu thương con người, đời sống tâm linh… Nét độc đáo nhất của các bức tượng là các nghệ nhân không đi theo khuôn mẫu hay đường nét chung nào có sẵn mà đều có sự sáng tạo.

Giấc ngủ trên lưng mẹ

Vô vàn những cảnh sống, cảnh sinh hoạt, lao động thường ngày của người dân, muông thú và cỏ cây đã được sáng tạo thành những tác phẩm nghệ thuật qua bức tượng gỗ. Như các nghệ nhân thuộc huyện Đắk Tô thường tạc những bức tượng về chủ đề muông thú, về đời sống thiên nhiên thì các nghệ nhân thuộc huyện Sa Thầy thường tạc tượng về chủ đề hôn nhân gia đình, tình cha con, vợ chồng hay các nghệ nhân thuộc huyện Đắkglei thường tạc tượng về chủ đề mang tính kế thừa, giữa người già và người trẻ, thế hệ trước và thế hệ sau…

theo Báo Du lịch Online


Lượt xem: 25

Trả lời