Nâng tầm nông sản địa phương

Cập nhật 28/1/2022, 14:01:03

Một mùa Xuân mới đã về mang theo bao điều mới mẻ. Đến với các thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai hôm nay, chúng ta cảm nhận được nhiều chuyển biến rõ nét, đặc biệt là sự đổi thay trong cách làm kinh tế thời hội nhập. Câu chuyện phát triển kinh tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm của đồng bào địa phương cho thấy họ đang bắt nhịp với cách làm mới để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

 Vào mùa thu hoạch mắc ca, chị Rơ Châm H’Ken ở làng MRông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh lại bận rộn với công việc rang xay, đóng gói để kịp gửi khách hàng trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt là vào mùa Tết, số lượng khách đặt mua mắc ca nhiều nên thường không có đủ hàng để bán. Thấy được tiềm năng của dòng sản phẩm này, ngoài 40 cây mắc ca của gia đình đã thu hoạch, chị H’Ken đang tiếp tục trồng thêm 200 cây ghép; đồng thời đầu tư mua máy sấy, máy tách hạt, máy đóng gói hút chân không để chế biến hạt mắc ca rang sấy. Bắt nhịp với cách làm ăn mới, chị tận dụng mạng xã hội để quảng bá, thu hút được nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của mình.

Chị Rơ Chăm H’Ken, Làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh cho biết: “Khi đến năm thứ 6, thứ 7 thu bói gia đình cũng không biết có giá trị chỉ bán với giá 25 ngàn/kg. Qua tìm hiểu trên trang mạng về giá trị dinh hướng của hạt mắc ca tôi đã học hỏi và tìm hiểu những mắc ca có thương hiệu ở Đăk Lắk rồi đầu tư máy đóng gói bán cho người quen. Người quen truyền miệng giới thiệu cho người khác rồi bán cho thương lái với giá tốt nhất. Giá hiện nay bán tươi 80 ngàn/kg, sấy bán từ 220-250 đồng/kg. Ngoài hạt mắc ca bán cho người quen khách hàng trong tỉnh, có mấy chị trong Sài Gòn, ngoài Hà Nội mỗi lần mua 10-20 kg thuận lợi hơn bán lẻ”.

    Một mùa vui lại về trong không khí rộn ràng thu hoạch cà phê của đồng bào Bahnar ở xã Glar, huyện Đak Đoa.

Họ đang cùng tham gia chuỗi sản xuất cà phê của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh để làm ra những hạt cà phê sạch, góp phần nâng tầm thương hiệu giá trị cà phê Việt. Đưa công nghệ vào vườn cà phê theo quy trình không hóa chất là điều mà người trồng cà phê ở địa phương đang hướng tới. Những nông dân như anh Xuân ở làng Groi Wết, xã Glar đã tiên phong chuyển hướng sang trồng cà phê theo cách mới, bắt đầu loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, ứng dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương, giảm tối đa chi phí  đầu vào để làm ra những hạt cà phê chất lượng cao.

Anh Xuân,  Làng Groi Wết, xã Glar, huyện Đak Đoa cho biết: “Chương trình cà phê sạch của HTX đề ra trong đó có ưu điểm giúp nông dân làm cà phê liên kết với nhau để gây dựng 1 sản phẩm vừa hiệu quả, chất lượng trong đó tiết kiệm phân bón chi phí. Hiện nay tìm ra phương pháp giảm chi phí về phân bón tối đa, trong đó đó sử dụng những phụ phẩm trái cây mà mình không bán được áp dụng ủ làm phân bón. Trước kia mình mua thuốc hóa học vừa hại cho người làm sản phẩm mình bán ra không được hiệu quả . Qua 1 năm mình thấy cây cà phê mình thay đổi, bệnh rụng, quả rụng bông giảm hơn trước kia rất nhiều, năng suất tăng khoảng 20% trở lên”.

Ông Nguyễn Kim Anh – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đak Đoa cho biết: “Hiện nay một số HTX đã triển khai để liên kết với bà con nông dân và định hướng cho bà con sản xuất đảm bảo  theo một quy trình đặc biệt chẳng hạn như HTX Lam Anh đã triển khai một mô hình đối với 1 cộng đồng người địa phương đang sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn sạch hướng đến hữu cơ để canh tác một cách bền vững, đặc biệt là nâng cao được chất lượng sản phẩm tạo ra thị trường theo yêu cầu”.

        Câu chuyện gắn kết cộng đồng sản xuất cà phê ở xã Glar, huyện Đak Đoa đã cho thấy bước đột phá từ việc thay đổi tư duy, tập quán canh tác từ bao đời nay để tìm cách nâng tầm giá trị sản phẩm, hướng đến xây dựng một vùng trồng và chế biến cà phê sạch. Hơn ai hết, chính những nông dân đã tự thay đổi mình trong cách nghĩ, cách làm để nâng cao giá trị sản phẩm của chính mình làm ra./.


Lượt xem: 5

Trả lời