“Mùa quả ngọt” trên đất Gia Lai

Cập nhật 27/1/2022, 10:01:10

Trong những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và qua thời gian trồng thử nghiệm đã cho thấy cây cam, cây quýt thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất Gia Lai, cho sản lượng ổn định, chất lượng thơm ngon và được thị trường ưa chuộng. Cùng với đó, để nâng cao giá thành cũng như mong muốn quảng bá sản phẩm, nhiều nông dân  phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm , qua đó  đã nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Nếu như trước đây, trên diện tích 1 ha, gia đình bà Hoàng Thị Thu, ở xã An Phú, thành phố Pleiku chủ yếu trồng rau màu thì giờ đây vườn cam, quýt sai trĩu quả đã thay thế. Bà Thu chia sẻ: Sau lần tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cam, quýt của họ hàng ở Đắk Lắk nên gia đình bà đã mạnh dạn chuyển đổi. Việc trồng cam, quỷt không quá vất vả như trồng rau màu nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Bà Thu cho biết: “Ngày xưa đất đây là trồng la gim, nhưng làm la gim thấy không hiệu quả mấy, tôi sang bên Đắk Lắk tham quan thấy em trồng cam trồng cam, trồng quýt hiệu quả. Tôi cũng học hỏi kinh nghiệm về trồng vườn cam, vườn quýt. Đối với cây cam, cây quýt giá thành thấy ổn định hơn so với các cây trồng khác. Nhà cũng làm theo cam sạch theo chương trình hữu cơ, VietGAP không hóa chất, dùng thuốc sinh học, an toàn hơn.”

Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nhưng đầu ra cũng như giá cả ổn định nên nhiều nông dân khá phấn khởi với thu nhập từ những cây cam, cây quýt. Trong mùa thu hoạch, mỗi kg cam, quýt có giá từ 20.000 đến 25.000 đồng.  Gía cả ổn định đã giúp nông dân có thu nhập ổn định hơn, vì vậy ở một số địa phương đã xác định đây là cây chủ lực trong phát triển kinh tế và xây dựng thành sản phẩm OCOP. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân liên kết thành lập các hợp tác xã để áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Anh Đặng Ngọc Hùng, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa cho biết: “Tôi trồng cam được một ha, thu nhập đó hơn 3 lần trồng cà và có những trái ngọt mình ăn mà không lo về thuốc và cấp cho bà con ở nhiều tỉnh thành. Tôi đang tiến hành làm những thủ tục để xây dựng thương hiệu để bà con biết, dễ hơn trong việc mua bán và ăn những sản phẩm để tôi làm.”

Cùng với việc cung cấp quýt, cam ra thị trường thì một số nhà vườn đã thực hiện xây dựng chuỗi giá trị nông sản thông qua loại hình du lịch trải nghiệm. Du khách khi đến vườn được thỏa sức hóa thân thành nông dân chụp ảnh, trải nghiệm và còn được thưởng thức những trái quýt chín tươi ngon tại vườn. Với hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp đã giúp các nhà vườn thu hút được lượng khách không nhỏ đến tham quan, trải nghiệm và tiêu thụ sản phẩm.

Bà Trần Thị Lai – Du khách trải nghiệm nói: “Lướt ở trên mạng xong rồi thấy trang Chư Păh mình đó thấy vườn cam đẹp quá, nên  rủ cháu gái đi nữa. Lên trên đó mình tìm địa điểm, rồi hai cô cháu lên Google tìm đường chỉ dẫn tới đây. Tới đây, bước vô đây, trời ơi thấy vườn cam mê quá, mà nghe sạch nữa là ham. Xong rồi vô tham quan rồi mua về ăn”.

 Những vườn cam, vườn quýt xum xuê trái là minh chứng cho sự năng động, dám nghĩ, dám làm của người nông dân trên địa tỉnh Gia Lai trong việc tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Những mùa quả ngọt tiếp nối với hiệu quả kinh tế cao đã tạo động lực để nông dân tiếp tục nỗ lực trong lao động, sản xuất trong năm mới, góp phần hiện thực hóa ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Thúy Diện, Minh Trung


Lượt xem: 1

Trả lời