“Kinh tế Gia Lai năm 2021: Đối mặt thách thức, chinh phục mục tiêu tăng trưởng”

Cập nhật 28/1/2022, 08:01:17

Năm 2021, tiếp tục là một năm mà đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành và gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế và đời sống xã hội. Trong đó, “bóng đen” của biến chủng Delta và diễn biến mới đây của biến chủng Omicron đã khiến nền kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức để phục hồi và tăng trưởng. Ngay từ giữa năm, nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhất là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã phải đóng cửa trong nhiều tháng liền. Các hoạt động giao thương hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình hình tiêu thụ hàng hóa, nông sản gặp khó khăn. Hàng chục nghìn lao động buộc phải quay về địa phương vì mất việc làm và lo sợ dịch bệnh tái bùng phát. Cùng với đó, hàng trăm doanh nghiệp đã phải giải thể vì không thể cầm cự để chờ ngày khôi phục sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, với những nỗ lực vượt bậc của tỉnh Gia Lai nên trong vô vàn khó khăn ấy, bức tranh kinh tế của tỉnh năm 2021 vẫn được điểm tô bởi những gam màu tươi sáng, với nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022. Trong không khí phấn khởi chào đón năm mới 2022, mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi điểm lại bức tranh kinh tế của Gia Lai trong năm 2021 với nhiều dấu ấn rất quan trọng.

Năm 2021: Những điểm sáng trên lĩnh vực kinh tế

Năm 2021, đại dịch Covid -19 càn quét trên diện rộng, khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đối mặt với hàng loạt khó khăn. Tuy vậy, nhiều lĩnh vực kinh tế của Gia Lai vẫn đạt được những bước tăng trưởng cao so với mục tiêu đề ra. Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2021 GRDP tăng 9,03% so với năm 2020. Trong đó: Nông – lâm nghiệp – thủy sản tăng 5,43%; công nghiệp – xây dựng tăng 13,98%; dịch vụ tăng 3,7%, thuế sản phẩm tăng 57,62%. GRDP bình quân đầu người đạt 56,31 triệu đồng/người.

Trong năm, mặc dù phần lớn các nước trên thế giới áp dụng các biện pháp kiểm soát, phòng dịch gây khó khăn trong việc gặp gỡ các đối tác, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, vận chuyển hàng hóa nhưng với nỗ lực cao của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh cũng đã đạt mốc 610 triệu USD, tăng gần 5,2% so với cùng kỳ. Khối lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gia tăng, đặc biệt cà phê, trái cây do các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh vẫn duy trì ưu thế tại các thị trường truyền thống và phát triển thị trường xuất khẩu mới nhờ tác động của các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Năm 2021, Gia Lai cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của thu ngân sách Nhà nước, với mức tổng thu cán mốc gần 7 nghìn 200 tỷ đồng, đạt 157,5% dự toán Trung ương giao, 142% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 54,93% so với cùng kỳ.

Tổng vốn đầu phát triển trên địa bàn năm 2021 ước đạt 70.000 tỷ đồng, đạt 100% KH, tăng 2,42 lần so với cùng kỳ.

Trong số 17 dự án điện gió được Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh phê duyệt triển khai trên địa bàn tỉnh trong năm 2021, đã có16 dự án hoàn thành và chính thức đi vào vận hành thương mại.

Cùng với đó, 64 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 25 nghìn tỷ đồng. 172 dự án khác đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 13.987 tỷ đồng.

Với những chủ trương sáng suốt của tỉnh, Gia Lai đã từng bước vượt qua bằng giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt nhằm thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Thích ứng linh hoạt, sáng tạo, Gia Lai đã lựa chọn cách đối diện với dịch bệnh bằng những biện pháp an toàn dựa trên việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch là 5K+Vắc xin+ công nghệ để duy trì sự ổn định trong cuộc sống của người dân và đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa. Trong đó, tập trung trọng tâm vào hoạt động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp do tác động của dịch bệnh.

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trước tác động của đại dịch Covid-19

Làn sóng Covid -19 lần thứ 4 ập đến chỉ sau một thời gian ngắn tạm lắng, khiến cho các doanh nghiệp chưa kịp gượng dậy sau đợt dịch lần thứ 3 đã buộc phải tiếp tục đương đầu với những thách thức của đợt dịch mới. Đối với Gia Lai, tuy dịch không diễn biến phức tạp đến mức khiến các nhà máy, xí nghiệp, cùng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ buộc phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động thời gian dài như các tỉnh, thành phố phía Nam. Tuy vậy, vấn đề mà nền kinh tế phải đối mặt với hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và người dân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng.

Chị Võ Trần Bích Hạnh, Giám đốc Công ty Nông nghiệp Sê San Gia Lai cho biết: “Doanh nghiệp phải tìm hiểu các quy định về phòng chống dịch để tìm cách duy trì sản xuất. Nhưng mà cũng chỉ ở mức độ duy trì sản xuất, trước đây mỗi tháng xuất được 5 đến 7 công hàng nhưng hiện tại thì chỉ xuất được khoảng 3 công hàng mỗi tháng”.

Ông Võ Hùng Nhân, Giám đốc Công ty Bao bì Linh Khang, KCN Diên Phú, TP. Pleiku cũng nói: “Thời gian qua dịch bùng phát ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam nên hoạt động vận chuyển nguyên liệu bị ảnh hưởng, doanh nghiệp gặp khó khăn rất lớn trong hoạt động”.

Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức đó, Quốc hội, Chính phủ đã liên tục ban hành, lãnh đạo, chỉ đạo, và triển khai nhiều chính sách vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Nổi bật là các chính sách: Tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn, giảm tiền thuê đất, cho vay vốn ưu đãi để trả lương cho người lao động, hỗ trợ đóng bảo hiểm…với liên tiếp các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định của Chính phủ như: Nghị quyết số 116, Nghị quyết số 68, Nghị quyết số 126, Nghị quyết 105, Nghị định 92, Nghị định 52, Quyết định số 23…Những chính sách này của Quốc hội, Chính phủ đã được tỉnh chỉ đạo, quán triệt đưa đến doanh nghiệp, hộ kinh doanh một cách sớm nhất, thuận lợi và hiệu quả nhất. Với quyết tâm cao nhất là thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”.

Đồng chí Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: “Chúng tôi tin tưởng nếu chúng ta biết nắm bắt các thời cơ thì vẫn sẽ có những cơ hội để tự tin vượt qua khó khăn.Chúng ta phải xác định sẽ phải sống chung với tình hình dịch bệnh, vì vậy chúng ta cần phải có những phương án đối phó để ổn định sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới và nêu cao quyết tâm chiến thắng trong mọi hoàn cảnh”.

Từ quyết tâm và sự chỉ đạo của tỉnh, các Sở, ngành có liên quan đã lập tức vào cuộc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh với nhiều giải pháp cụ thể và mang đến hiệu quả tích cực.

Ông Lê Minh Nhựt, Cục Trưởng Cục Thuế tỉnh Gia Lai cho biết: “Qua hai năm, 2020 và 2021, số tiền thuế đã tiến hành miễn giảm thuế cho người nộp thuế khoảng 800 tỷ đồng. Đây là một khoản tiền rất là lớn, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn”.

Ông Đinh Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai cũng cho biết: “Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã chỉ đạo các Phòng giao dịch cử cán bộ chủ động tiếp cận với người sử dụng lao động để tuyên truyền về chính sách cho người sử dụng lao động. Đến nay đã có 59 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi theo Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền giải ngân gần 3,3 tỷ đồng”.

Thuận lợi trong việc tiếp cận với chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và tỉnh, những doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đang gặp khó khăn trong đại dịch đã từng bước vực dậy ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động. Từ đó thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch của năm 2021.

Ông Đoàn Lê Phụ, Quản lý Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai chia sẻ: “Trong thời kỳ khó khăn này thì cũng nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là những chính sách thuế thì khách sạn đã được miễn, giảm các chính sách thuế như thuê đất, mỗi tháng giảm 30%, giảm thuế giá trị gia tăng 30%, chính nhờ đó, khách sạn giảm được cái chi phí, để tiếp tục lấy cái nguồn đó để trang trải trả lương cho người lao động, và tiếp tục hoạt động trong thời gian tới”.

Ông Nguyễn Quang Huy, Quản lý Dự án Trang trại Phong điện HBRE Chư Prông cũng nêu: “Dịch bệnh vừa qua, ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án rất nhiều. Thực sự nhờ sự hỗ trợ từ cấp tỉnh, huyện, cơ sở đã giúp chúng tôi khắc phục được rất là nhiều. Chúng tôi cũng huy động mọi nguồn lực để mà hoàn thành dự án, đóng điện đúng tiến độ”.

Tập trung và quyết liệt triển khai những chính sách của Quốc hội, Chính phủ đến với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng những giải pháp, kịch bản riêng của tỉnh để phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch là cách mà Gia Lai thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép. Vậy những giải pháp riêng này là gì và đang được tỉnh triển khai thực hiện ra sao, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư để giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

PV: Là đơn vị được UBND tỉnh giao là cơ quan thường trực tổ Công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, vậy  thời gian qua Sở KH & ĐT đã tiếp nhận và tham mưu xử lý những vấn đề nào của doanh nghiệp và người dân?

Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở KH & ĐT tỉnh Gia Lai.

Trong thời gian vừa qua, Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại đối với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở kịp thời giải quyết. Riêng góc độ Sở KH & ĐT cũng đã tổ chức một Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Những kiến nghị của các doanh nghiệp đã được lắng nghe và Sở phối hợp với ngành nông nghiệp nông thôn phối hợp để tháo gỡ. Các doanh nghiệp rất là mừng và sẵn sàng triển khai đầu tư năm 2022

PV: Song hành cùng những giải pháp tháo gỡ khó khăn chính là hoạt động thu hút đầu tư, vậy năm 2021 vừa qua, đâu là những điểm sáng trong thu hút đầu tư của tỉnh?

Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở KH & ĐT tỉnh Gia Lai.

  Năm 2021 các doanh nghiệp đầu tư rất là lớn, giúp cho tỉnh đạt được mục tiêu. Vì vậy mà Sở đã thành lập Tổ tháo gỡ khó khăn để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho tỉnh, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Cùng với đó, chúng tôi thường xuyên theo chương trình hàng tuần báo cáo kết quả đạt được và những vướng mắc để phối hợp với các ngành khác cùng tháo gỡ, nếu vượt tầm thì trình UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.

PV: Thưa ông, Gia Lai đang tạo sức hấp đãn và niềm tin như thế nào để các doanh nghiệp lớn trong nước và cả nước ngoài nữa đến với Gia Lai và triển khai các dự án đầu tư?

Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở KH & ĐT tỉnh Gia Lai.

Qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư được triển khai vào năm 2020 và những hoạt động quảng bá, giới thiệu xúc tiến đầu tư năm 2021. Thì các doanh nghiệp đánh giá rất cao những dư địa của Gia Lai để đầu tư. Một số lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chăn nuôi, lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó cũng có những doanh nghiệp quan tâm, đầu tư chế biến nhằm hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm.  Phải nói rằng Gia Lai là một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư và chúng tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư.

PV: Xin cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi!

     Những nút thắt dần được tháo gỡ bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và những giải pháp thiết thực, cụ thể, linh hoạt trên từng vấn đề đã giúp Gia Lai chinh phục những thử thách của năm 2021 với nhiều thành quả vượt qua sự mong đợi. Đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2021 là 9,03%-cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước (dự ước khoảng 4,8%). Những điểm sáng trong bức tranh chung còn nhiều khó khăn đã cho thấy những nỗ lực không mệt mỏi mà cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân ở Gia Lai đã đoàn kết vượt khó, cộng đồng trách nhiệm triển khai thực hiện. Đó cũng chính là tiền đề để trong năm 2022, Gia Lai tiếp tục tự tin bứt phá trong phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội dù dự báo tình hình khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 gây ra đối với kinh tế toàn cầu vẫn chưa thể kết thúc sớm như mong đợi.

Hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022

Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 được tỉnh Gia Lai xây dựng trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen. Kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Thiên tai, dịch bệnh ngày càng gia tăng về cả mức độ và cường độ. Trong bối cảnh đó, Gia Lai cùng cả nước, quyết tâm triển khai thực hiện bằng được “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế có hiệu quả. Những chỉ tiêu phát triển kinh tế đã được UBND, HĐND tỉnh thống nhất, ban hành để cả hệ thống chính trị cùng người dân, doanh nghiệp cùng nỗ lực thực hiện. Theo đó, năm 2022 Gia Lai phấn đấu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP tăng 8,65%, trong đó: Ngành nông, lâm nghiệp – thủy sản tăng: 5,74%; ngành công nghiệp – xây dựng tăng 15,75%; ngành dịch vụ tăng 7,75%. GRDP bình quân đầu người 60,44 triệu đồng/người. Kim ngạch xuất khẩu: 660 triệu USD, tăng 8,2%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 5.827 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: 40.000 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ: 85.000 tỷ đồng, tăng 10,99%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 32%.

Cùng với việc đề ra các mục tiêu, tỉnh cũng đã xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện đạt và vượt kế hoạch giao. Trong đó, giải pháp quan trọng là tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu, khơi dậy nội lực trong tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch. Tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị. Mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối  tác, nguồn hàng. Cùng với đó, tỉnh cũng xác định, cần phát triển kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh…nhằm tạo tiền đề vững chắc cho kinh tế phát triển. Hỗ trợ các thành phần kinh tế chủ động ứng phó linh hoạt với tình hình thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở KH & ĐT tỉnh Gia Lai cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid. Và tỉnh cũng đã triển khai một số giải pháp. Các doanh nghiệp cũng sẽ yên tâm đầu tư, sản xuất. Tin tưởng rằng với làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp, và những sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thì mục tiêu tăng trưởng của Gia Lai sẽ đạt theo kế hoạch đề ra’.

Ngọc Hà – R. Piên – Viễn Khánh


Lượt xem: 963

Trả lời