Khi người dân thay đổi thói quen trong chăn nuôi

Cập nhật 13/9/2022, 16:09:45

Thay vì chọn cách chăn nuôi bò thả rông như thói quen của nhiều người dân nông thôn xưa nay, để bò tự tìm nguồn thức ăn ở những đồng cỏ tự nhiên, thì hiện nay ở một số thôn, làng trong tỉnh Gia Lai, người dân đã thay đổi thói quen cũ, không chăn thả rông mà nuôi nhốt chuồng. Với cách làm như vậy không chỉ giúp người dân giảm sức lao động mà còn mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định, đồng thời góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, kiểm soát được dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Ông Phạm Văn Đoan là hộ đầu tiên trong thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện thực hiện mô hình nuôi bò nhốt chuồng.

Tận dụng đất trống ngay sau nhà, ông Đoan xây dựng hai dãy chuồng, mỗi dãy nuôi được hơn 20 con. Với hơn 40 con, nếu nuôi theo kiểu chăn thả rông như trước đây, sáng sớm phải lùa bò đi ăn đến mãi chiều tốt mới về đến nhà, thì bây giờ mỗi ngày ông Đoan chỉ mất vài ba giờ đồng hồ để cho bò ăn, thời gian còn lại có thể tranh thủ làm việc khác. Theo chia sẻ của chủ hộ, với điều kiện đất đai hạn hẹp, nguồn thức ăn ngày càng khan hiếm thì mô hình nuôi bò nhốt chuồng khắc phục được những khó khăn trên. Ông Đoan cho biết: “Mô hình nuôi bò nhốt tôi thấy hiệu quả, mình không đi chăn thả cả buổi với lại không còn đất. Còn nuôi nhốt, buổi sáng mất khoảng 2 tiếng, chiều cũng vậy.  Nguồn thức ăn thì đất có 1 ha tôi trồng cỏ, khi thừa thì ủ chua, cứ vậy cho ăn”.

Ưu điểm nữa của mô hình nuôi bò nhốt chuồng là giải quyết được các phát sinh về môi trường, kiểm soát tốt dịch bệnh, giúp bò phát triển khỏe mạnh, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định. Ông Đoan nói thêm: “Nhà tôi nuôi nhiều nhưng phân, nước thải đưa xuống hầm và bơm lên cỏ nên đỡ tiền phân bón cho cỏ.  Hồi trước giá bò cao, trừ chi phí thì 1 tháng lời 7-8 trăm ngàn/con, con nhanh lớn thì cả triệu. Bây giờ còn 5-6 trăm, lấy số lượng lớn để bù”.

Từ mô hình đầu tiên của hộ ông Đoan, thấy hiệu quả nên một số hộ trong thôn Đoàn Kết cũng mạnh dạn làm theo. Tuy quy mô nhỏ hơn nhưng cho thấy mô hình đã có sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thay đổi thói quen của người dân trong chăn nuôi.

Ông Bùi Trọng Thành – Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Phú Thiện cho biết: “Về chăn nuôi huyện cũng xác định, quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện cho các DN muốn đầu tư, đồng thời cũng khuyến khích đẩy mạnh chăn nuôi quy mô công nghiệp, đảm bảo môi trường, dịch bệnh, phát huy được các tiềm năng, lợi thế sẵn có để nâng cao thu nhập, việc làm từ phát triển chăn nuôi”.

Ngoài phát triển trồng trọt thì hiện nay chăn nuôi cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân nông thôn. Tuy nhiên, phần lớn bà con vẫn giữ thói quen chăn nuôi thả rông, khi dịch bệnh xuất hiện, khó kiểm soát đàn vật nuôi thả rông nên tốc độ lây lan rất nhanh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Với những ưu điểm của mô hình nuôi bò nhốt chuồng như ở Phú Thiện nếu được nhân rộng sẽ góp phần giải quyết được những khó khăn, hạn chế trong chăn nuôi ở địa bàn nông thôn hiện nay.

Hồng Uyên, Viễn Khánh


Lượt xem: 3

Trả lời