Giữ hồn chiêng Tây Nguyên qua các đội chiêng nhí

Cập nhật 01/2/2018, 10:02:41

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2005. Trăn trở việc gìn giữ và bảo tồn loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc mình, nhất là trước tình trạng một bộ phận thanh niên  không mấy mặn mà với văn hóa truyền thống, một số người tâm huyết đã tìm cách duy trì qua việc truyền dạy cho lớp trẻ học đánh cồng chiêng. PS được thực hiện tại làng Groi 2, xã  Glar, huyện Đak Đoa.  

 

Được nghe tiếng cồng chiêng từ khi còn nằm trong bụng mẹ, biết chơi cồng chiêng từ lúc còn chưa biết đến con chữ, ông Alíp (làng Groi 2, xã Glar,  huyện Đak Đoa) luôn đau đáu hoài niệm về quá khứ và không ít trăn trở khi lớp trẻ không còn để ý tới cồng chiêng, không còn biết chơi cồng chiêng. Suy nghĩ này đã thôi thúc ông cần phải làm một việc gì đó để lưu giữ tiếng cồng chiêng của làng mình.

Ông Alíp, làng Groi 2, xã Glar, huyện Đak Đoa nói: “Mình sợ mất truyền thống của ông bà mình ngày xưa nên phải dạy cho bọn trẻ biết đánh cồng chiêng.Thanh niên rất theo mình, buổi chiều mình dạy cho nó đánh”.

Hàng ngày những đứa trẻ sau giờ tan học hay những buổi chiều lên nương rẫy cùng cha mẹ lại tụ họp và trở về sân nhà ông Alíp  để học đánh cồng chiêng. Ông Alíp cho biết: Dạy cồng chiêng cho lứa tuổi nhí này rất khó, một phần vì các em còn chưa ý thức được việc gìn giữ và bảo tồn, phần vì các em còn ham chơi. Có nhiều em tập được một, hai buổi thấy khó bắt đầu nản. Vậy mà sau khi đã cảm nhận được cái hay của văn hóa dân tộc, các em trở nên đam mê, thích thú. Những bài chiêng, điệu múa trong Lễ hội đâm trâu, Mừng lúa mới, Hát giao duyên… đã thực sự lôi cuốn được các em.

Em Thing, làng Groi 2, xã Glar, huyện Đak Đoa nói: “Con 9 tuổi học sinh lớp 4. Bác Alíp dạy con đánh chiêng, con thích lắm”.

Sau một thời gian bền bỉ truyền dạy, đội cồng chiêng nhí của làng Groi 2 không chỉ chơi cồng chiêng thành thạo, mà hơn hết các cháu đã kế tục được nét văn hóa truyền thống của cha ông, đủ tự tin đi tham gia biểu diễn ở các cuộc thi. Đội chiêng nhí này không chỉ tham gia biểu diễn tại các làng, xã mà còn tham gia các cuộc thi cấp huyện, tỉnh.

Em Khuy – Làng Groi 2, xã Glar, huyện Đak Đoa cho biết: “Em đánh chiêng từ 15 tuổi đến nay 18 tuổi. Chú Alíp dạy em đánh chiêng. E theo chú Alíp đi  thi cồng chiêng  khắp nơi, em cảm thấy vui lắm. Em mong các em sau này  giống như anh và đánh hay hơn anh nữa”.

Đến nay, huyện Đak Đoa có 8 đội chiêng nhí duy trì được số thành viên từ 25-30 em. Cũng như các đội của người lớn, đội cồng chiêng dành cho trẻ em của huyện Đak Đoa được chính quyền và các đoàn thể xem là một sân chơi bổ ích nên hết sức quan tâm, ưu tiên trang bị đầy đủ các loại trống, chiêng, cồng…

Bà Kiều Thu Hương, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đak Đoa cho biết: “Các đội cồng chiêng nhí được nghệ nhân truyền dạy trong trường giống như truyền dạy ở thôn làng. Trong các dịp lễ hội các em đều tham gia và phát huy việc học của mình. Việc truyền dạy cồng chiêng trong thanh thiếu niên, giúp các em  hiểu được truyền thống văn hóa, giữ gìn phát huy không bị mai một”.

Và như thế trong không gian hoang sơ của núi rừng, nơi những thôn làng xa xôi, những đứa trẻ lớn lên với tiếng cồng chiêng. Bằng đôi tay non nớt và đôi tai nhạy cảm, các em đã góp phần lưu giữ không gian âm nhạc riêng của dân tộc mình. Các đội cồng chiêng nhí ở một số thôn làng của huyện Đak Đoa nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng đang được kỳ vọng sẽ gánh vác được sứ mệnh tiếp tục lưu giữ,  nối truyền nét văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vốn có nguy cơ bị mai một, thất truyền.

Thiên Nga, Xuân Huy

 

 

 


Lượt xem: 61

Trả lời