Gia Lai quan tâm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử

Cập nhật 27/1/2022, 11:01:14

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang có bước tăng trưởng mạnh mẽ, qua đó đã thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả. Nhằm bắt kịp xu hướng kinh tế số, bên cạnh sự hỗ trợ của ngành ngành Công Thương thì bản thân các doanh nghiệp cũng nỗ lực phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Xác định TMĐT là hướng phát triển lâu dài và bền vững của đơn vị trong tương lai, vì vậy cách đây 3 năm Công ty cà phê Classic đã đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cho TMĐT. Đồng thời xây dựng chiến dịch marketinh online để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng TMĐT hiện có. Việc tiếp cận kinh doanh các sản phẩm trên các nền tảng TMĐT đã giúp công ty mở rộng thị trường, duy trì hoạt động, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm – Giám đốc Công ty Cà phê Classic (740 Trường Chinh, TP. Pleiku, Gia Lai) cho biết: “TMĐT là một hướng đi chiến lược,  nếu như trước đây muốn bán sản phẩm cho khách hàng ở xa thì gần như để bán được rất là khó, nhưng bây giờ mình có thể tiếp cận các khách hàng khắp nơi trên thế giới, thì đó là một trong những tín hiệu mà công ty có niềm tin đầu tư vào TMĐT. Sắp tới đối với TMĐT thì công ty có định hướng lớn hơn đó là sẽ làm sao đó tập hợp được tất cả các đặc sản của địa phương Gia Lai xây dựng thành một gian hàng chung và sẽ bán nó, giới thiệu nó trên thị trường TMĐT”.

Thị trường TMĐT hiện đang trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh thì thị trường TMĐT đã trở thành kênh kinh doanh hữu hiệu giúp các doanh nghiệp vừa giao dịch được với khách hàng, vừa đảm bảo các yêu cầu trong phòng chống dịch.

Bà Trần Kim Bé – Giám đốc Công ty TNHH MTV Trần Lâm Gia Phát  Phường Trà Bá, TP. Pleiku cũng nói: “Dịch Covid-19 nói chung đã ảnh hưởng và gây khó khăn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên trong cái khó chũng tôi vẫn cố gắng duy trì công việc sản xuất của mình, từ việc bán hàng truyền thống, thì chúng tôi chú trọng đến các kênh online, kết hợp giới thiệu sản phẩm của mình qua các kênh Fanpage, Facebook, zalo và trên các sàn TMĐT. Cùng với đó kết hợp với các đại lý trên cả nước để có thể giao hàng thuận lợi đến khách hàng. Chính vì sự linh hoạt đó mà chúng tôi vẫn duy trì để phát triển doanh số sản phẩm cũng như duy trì sự phát triển của công ty”.

Nhằm thúc đẩu phát triển thương mại điện tử, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc ứng dụng TMĐT phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong năm 2021, lần đầu tiên, ngành Công Thương Gia Lai tổ chức Gian hàng thực tế ảo trưng bày, giới thiệu 13 sản phẩm đặc trưng của Gia Lai trên môi trường mạng tại sự kiện Internet Expo 2021. Đây được xem là bước ngoặt trong chuyển đổi số đối với công tác xúc tiến thương mại của tỉnh Gia Lai khi nhiều sản phẩm đặc trưng được quảng bá, giới thiệu đến các đối tác tiềm năng trong và ngoài nước trên môi trường mạng.

Bà Nguyễn Thị Bích Thu – Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại,  Sở Công Thương Gia Lai cho biết: “Trong quý III năm 2021 thì Trung tâm đã tiếp cận được các gian hàng trên internet. Và qua những gian hàng phát triển trên mạng thì các sản phẩm đặc sản của đại phương được tuyên truyền, quảng bá, đây cũng là bước nổi bật của chương trình xúc tiến thương mại đột phá trong năm 2021. Hiệu quả bán hàng không cao nhưng tuyên truyền quảng bá thì rất là lớn. Không nhũng trong nước mà quốc tế đều biết đến sản phẩm của Gia Lai mình”.

Bà Đào Thị Thu Nguyệt – Phó Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cũng cho biết: “Được sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh thì Sở Công Thương cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và đăng ký trên các sàn giao dịch TMĐT.  Trong kế hoạch sắp tới của ngành Công Thương thì UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT hàng năm, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các sàn TMĐT và hỗ trợ thêm các doanh nghiệp tham gia trên các sàn, xây dựng các website để bán hàng. Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX tiếp cận các Chương trình của Bộ Công Thương cũng như của UBND tỉnh trong phát triển TMĐT”.

Gia Lai đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 khoảng 40% dân số trở lên tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 400 USD/người/năm. Doanh số thương mại điện tử hàng năm tăng trung bình khoảng 20%/năm, chiếm khoảng 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của toàn tỉnh. Để hoàn thành mục tiêu trên, trong giai đoạn từ nay đến 2025, Gia Lai đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử; đồng thời xây dựng thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với thương mại điện tử. Phấn đấu đến năm 2025, chỉ số TMĐT tỉnh Gia Lai thuộc nhóm trung bình của cả nước./.

Lê Thư, Phi Long


Lượt xem: 3

Trả lời