Gia Lai: Đôi vợ chồng nghèo cưu mang cả chục người dưng bệnh tật, ốm yếu

Cập nhật 08/12/2015, 05:12:19

Cuộc sống bộn bề khốn khó, kiếm cái ăn nuôi gia đình mình cũng đã đủ khiến nhiều người mướt mồ hôi. Vậy mà, đôi vợ chồng nghèo với bốn đứa con ấy đã cưu mang cả chục người dưng bệnh tật, ốm yếu.

“Con đẻ, con nuôi gì, no đói gì cũng chịu cùng nhau!”.
 

Con đẻ, con nuôi
 

Câu chuyện cổ tích này thuộc về vợ chồng anh Nguyễn Đăng Lâu (SN 1964) và chị Bùi Thị Nhi (SN 1968, ngụ tại tổ 6, phường Ia Kring, TP. Pleiku, Gia Lai). Nhiều năm qua, dù thuộc diện hộ nghèo nhưng hai vợ chồng anh chị vẫn nuôi nấng, dạy dỗ thêm tám đứa con nuôi.
 

Nói chuyện với chúng tôi trong căn nhà nghèo khó nhưng ngập tràn tình yêu thương, chị Nhi kể: Anh Lâu trước đây làm thợ gỗ, còn chị không có nghề nghiệp ổn định nên làm đủ mọi việc, trong đó có trông trẻ. Tiền công thì có người đưa được một hai tháng, người không đưa đồng nào. Có người gửi con cho chị trông, nhưng rồi lại bỏ con đi mất tích mấy năm trời. Có đứa thì bị bỏ rơi ngoài đường, ngoài sân bóng…
 

Trong tám đứa con nuôi ấy, chị Nhi thương nhất là bé Bẻm vì “nó là đứa bất hạnh nhất, mà tôi cũng khổ sở với nó nhất”. Chị kể: Một đêm đầu năm 2004, khi đang ở trong nhà, bỗng nghe thấy tiếng trẻ con khóc oe oe ngoài sân bóng trước cửa nhà. Chị vội ra xem thì thấy một đứa trẻ chừng ba tháng tuổi nằm trong bọc quần áo cũ. Chị đã đưa bé về chăm sóc. Chắc có lẽ vì trải qua tình cảnh đáng thương ấy, nên Bẻm từ nhỏ cứ thường xuyên bệnh tật, yếu ớt. Cứ mỗi lần đổ bệnh là Bẻm quấy khóc, vợ chồng chị và các con lớn (chủ yếu là các con ruột) thay phiên nhau bế bồng, chăm sóc. Nhưng bù lại, càng lớn Bẻm càng ngoan ngoãn, khiến vợ chồng chị Nhi, anh Lâu an lòng.
 

Một em bé khác được vợ chồng chị đặt tên ở nhà rất ngộ là Chuột, là đứa mà hai người nuôi đầu tiên. Mẹ bé Chuột là người miền Tây, vì lý do gì đó đã tới Gia Lai làm thuê. Khi con chưa đầy năm thì người mẹ trẻ đem con đến gửi chị Nhi. Một ngày, không thấy người mẹ ấy trở lại đón con nữa. Vợ chồng chị Nhi cũng chẳng biết tìm đâu, đành cố gắng nuôi em. Những đứa con trở thành thành viên của gia đình được anh chị đặt cho cái tên rất ngộ: Sóc Trắng, Sóc Nâu, Bẻm… Hỏi về việc trở thành bố mẹ nuôi bất đắc dĩ, anh Lâu cho hay: “Vì không muốn chúng nheo nhóc trong trại trẻ mồ côi, nên vợ chồng tôi nuôi nấng hết. Con đẻ, con nuôi gì, no đói gì cũng chịu cùng nhau. Chứ nào tôi lường trước được khó khăn!”.
 

Cuộc sống gia đình anh chị cứ thế trôi đi giữa bao nhiêu lo toan, bộn bề. Hằng ngày chị Nhi và các con lớn miệt mài làm thuê, con nhỏ hơn thì ở nhà trông em, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước. “Tôi làm việc của tôi. Anh Lâu cực nhọc với nghề gỗ của mình. Chỉ bốn bàn tay cần cù, mà vào thời gian cao điểm tới hơn chục miệng ăn. Từ năm 2009 đến 2012, gia đình đông nhất. Thật ra chúng tôi phải chịu cảnh đói khát để nhường con cái ăn, không để chúng mệt lả. Vượt qua cảnh ấy, giờ nghĩ lại thấy cuộc sống tuy có thiếu thốn, vất vả nhưng vui. Và tôi thấy mình sống có ý nghĩa!” – chị Nhi cho biết.
 

Muôn cảnh đời người
 

Không mang nặng đẻ đau, nhưng có công nuôi nấng và dành nhiều tình thương cho các em bé bị bỏ rơi, vợ chồng chị Nhi chưa bao giờ phàn nàn vì những gánh nặng. Ngược lại, họ mở rộng vòng tay để chia sẻ, sẵn sàng trao con khi bố mẹ ruột của các em đến xin. “Mà nghĩ cũng lạ, không thiếu gì người làm nghề giữ trẻ, nhưng họ lại cứ đến bỏ con lại nhà mình. Tới khi con họ lớn, vừa ngoan vừa lanh lợi, đang học hành tử tế thì lại đến đón về”, chị Nhi cười. Như trường hợp bé Chuột, năm em vào học lớp ba thì người mẹ trẻ tự nhiên xuất hiện, biện bạch muốn xin đón con đi. Chị Nhi bồi hồi: “Bé Chuột cứ tưởng tôi là mẹ ruột của nó. Khi mẹ nó đến nhận, nó khóc thét lên. Tôi nhiều lần bảo đi theo mẹ ruột đi, có điều kiện thì quay lại thăm bố mẹ nuôi. Và phải ép mãi cháu mới chịu đi! Mẹ ruột cháu cũng hứa chăm con thật tốt”.
 

Cũng là đứa trẻ bị “bỏ lại”, năm học lớp hai mẹ bé Bẻm từ đâu xuất hiện và xin lại con. Đó là cô gái lầm lỡ, sinh Bẻm mà không nuôi được. Nghe tiếng thơm của chị Nhi nên cô ta cố tình đến gửi và… bỏ lại. Thông cảm hoàn cảnh, chị Nhi bàn với chồng là nên tha thứ và đồng ý cho Bẻm đi theo sau khi đã hoàn tất cả thủ tục với chính quyền.

Mới đây nhất, vào năm 2011, bé Chúc được chị Nhi nhận nuôi mới một tháng tuổi khi phát hiện em bị bỏ lại ngoài lề đường. Khi em được hơn hai tuổi, chị Nhi biết mẹ của bé đang thuê trọ ở Kon Tum nên đã đưa con đi tìm mẹ, vì nghĩ rằng nếu được sống với mẹ sẽ tốt hơn. Nhưng khi gặp được, người mẹ ấy chỉ đưa chị Nhi 200 nghìn đồng, bảo là tiền xe rồi chẳng tỏ bất kỳ thái độ nào muốn giữ cậu bé kháu khỉnh ấy lại.
 

Chúc đã bốn tuổi, đang học mẫu giáo. Chị Nhi rất sợ người hàng xóm nào đó vô tình nói với cậu bé về “hoàn cảnh” thật của mình, khiến cậu bị tổn thương. Với em, vợ chồng chị Nhi cho biết, sẽ không cho bất kỳ ai đón đi, bởi chị đã cất công đi tìm mà người ta không nhận. Nhiều người từng hỏi chị vất vả như vậy để làm gì? Chị không nói gì, chỉ cười. Người hiểu ra thì biết chị phải giấu đi những giọt nước mắt, vừa thương con mình, con người, vừa giận sao ở đời có những người nhẫn tâm đến thế!
 

Cách đây ít tháng, anh Lâu bị tai nạn lao động, phải nằm liệt một chỗ. Bao nhiêu lo toan trút cả lên đầu chị Nhi. Nửa đêm chị Nhi dậy nấu nước đậu bán cho các hàng quán. Xong việc lại tất tả chạy xe thồ, bán vé số, rửa chén bát thuê,… Hầu như ngày nào tới tối mịt mới về. Tuy khó khăn như vậy, nhưng hai anh chị khẳng định mình vẫn rất hạnh phúc. “Nhiều lúc tôi mệt mỏi đến kiệt sức. Nhưng nhìn lại các con, tuy không học hành xuất sắc, nhưng rất ngoan ngoãn. Ngoài ra, các con lại rất quan tâm đến tôi và bố nó, suốt ngày nói cười không ngớt. Những điều ấy giúp vợ chồng tôi thêm sức lực cố tiếp. Chúng tôi sẵn sàng nuôi những đứa trẻ bất hạnh khác, tôi khẳng định đấy! Vì tôi biết, làm phúc cho người thì mình cũng được phúc, con cái sau này sẽ được người khác giúp đỡ”, chị Nhi bày tỏ.

Theo Nhân dân


Lượt xem: 48

Trả lời