Gặp gỡ đôi vợ chồng nghệ nhân tài hoa

Cập nhật 28/1/2022, 09:01:43

Sự tài hoa đã tạo nên mối lương duyên bền chặt, trọn đời giữa nghệ nhân Đinh Bi và Đinh Thị Hiền. Đến nay, đã hơn 40 năm, trong ngôi nhà sàn Bahnar truyền thống, hình ảnh bình dị chồng đan gùi, vợ dệt vải đã trở nên quá quen thuộc với người dân và du khách mỗi khi có dịp đến với làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang.

  Mời quý khán giả cùng gặp gỡ đôi vợ chồng nghệ nhân tài hoa Đinh Bi và Đinh Thị Hiền; cả hai ông bà đều có tên trong danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú ở lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3.  

 Vốn là người tài hoa và khéo tay, năm 17 tuổi nghệ nhân Đinh Bi đã biết đan lát thành thạo các vật dụng phục vụ sinh hoạt, từ chiếc giỏ đựng cá đến cái rổ, cái gùi… Ngày qua ngày, ông không chỉ đan những vật dụng thông thường mà học cách sáng tạo hoa văn, trang trí cho sản phẩm thêm sắc sảo, đẹp mắt. Ngắm những chiếc gùi mới ông vừa đan xong, có thể cảm nhận độ bóng bẩy, chắc bền của từng mối đan, sợi buộc; Màu sắc, hoa văn được ông tạo nên mang vẻ đẹp thật trang nhã, đậm đà tính dân tộc.

Nghệ nhân Đinh Bi, Làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Tôi thì học nghề từ anh trai, lúc đầu khó lắm, nhưng mình cố gắng làm nhiều thì quen. Mình làm để phục vụ cho gia đình, rồi bán nữa cũng có thêm thu nhập. Nếu người ta chưa mua thì mình vẫn cứ làm để đó cho con cháu thấy, nó biết giữ nghề truyền thống chứ sau này mình chết thì ai làm, mình cố gắng dạy cho lũ con mình”.

: Không kém tài hoa của chồng, nghệ nhân Đinh Thị Hiền cũng được biết đến là người phụ nữ dệt vải giỏi nhất vùng. Hiện nay, hầu hết phụ nữ làng Kgiang mua chỉ công nghiệp để giản lược các công đoạn làm ra một tấm thổ cẩm thì nghệ nhân Đinh Thị Hiền vẫn giữ cách làm truyền thống, đó là tự trồng bông dệt vải, kéo sợi, nhuộm màu… Các sản phẩm của bà làm ra đều đạt đến độ tinh xảo, giữ nguyên sắc màu truyền thống của người Bahnar.

Trong câu chuyện của mình, bà vẫn còn nhớ như in cảm xúc khi được tham gia trình diễn trang phục, sắc màu thổ cẩm người Bahnar tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (thuộc Khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Tại đây, rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã phải trầm trồ, khen ngợi sự khéo tay, tài hoa của nữ nghệ nhân đến từ Gia Lai.

Nghệ nhân Đinh Thị Hiền, Làng KGiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai chia sẻ: “Khi trình diễn tại Hà Nội thì rất nhiều người đến xem, ai cũng khen là bà già rất khéo tay, làm nhanh, đẹp. Mọi người tham quan, rồi mặc đồ thổ cẩm của người Bahnar để chụp hình. Tôi rất là vui vì đã giới thiệu được văn hóa của dân tộc cho mọi người biết, sau này mong muốn là du khách đến với Gia Lai với làng Kgiang để mà tham quan”.

Nặng lòng với văn hóa dân tộc, vợ chồng nghệ nhân Đinh Bi và Đinh Thị Hiền không chỉ miệt mài gắn bó với nghề truyền thống mà ông bà còn dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc thực hành truyền dạy, bảo tồn và phát phát huy cái vốn quý văn hóa dân tộc. Các con, cháu trong nhà đều được truyền nghề; nhiều người trong vùng cũng tìm đến để được học nghề.

Em Định Thị Thu Hoài, Làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai nói: Cháu rất thích dệt, hàng ngày thấy bà dệt, rồi bà chỉ cho, cháu cũng cố gắng học để sau này biết dệt, làm được nhiều tấm áo đẹp giống như bà vậy.

Mới đây, vợ chồng nghệ nhân Đinh Bi và Đinh Thị Hiền đã đón nhận một tin vui khá đặc biệt, đó là cả hai ông bà đều được Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đợt thứ 3, năm 2021.

    Sự vinh danh kịp thời của Đảng, Nhà nước sẽ là nguồn cổ vũ to lớn, để các nghệ nhận tiếp tục nỗ lực, gìn giữ, trao truyền cái vốn quý văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo sức sống bền vững trong dòng chảy di sản./.

 Kim Ngân, Viễn Khánh


Lượt xem: 6

Trả lời