Đường 7 ngày ấy bây giờ

Cập nhật 11/3/2015, 15:03:38

Đường 7 tên gọi một con đường đi qua địa phận hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên có chiều dài 181km, được người Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX với mục đích làm tuyến giao thông để khai thác vùng Tây Nguyên. Sau năm 1975 được đổi tên thành quốc lộ 25. Quốc lộ 25 có điểm đầu của đường nối với quốc lộ 1A tại km1332 thuộc địa phận TP. Tuy Hoà (tỉnh Phú Yên) và điểm cuối giao với quốc lộ 14 tại km 567+ 800, thuộc địa phận huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Đây là một trong hai tuyến đường ngắn nhất nối Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ với các nước Campuchia, Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan; đồng thời là trục đường thứ hai trong vùng Bắc Tây Nguyên nối liền hai trục xuyên quốc gia là quốc lộ 1A và quốc lộ 14 đi Đăk Lăk tại ngã 3 Chư Sê.

 

 

Quốc lộ 25 ngày nay.

 

Vào những ngày tháng ba lịch sử năm 1975, cả Tây Nguyên rạo rực trong không khí giải phóng sau khi bộ đội ta giải phóng Buôn Ma Thuột (ngày 10/3/1975). Bị thua tan tác, bọn tàn quân Mỹ ngụy buộc phải rút xuống đồng bằng thông qua con đường duy nhất là đường 7 với mục đích co cụm lực lượng ở duyên hải miền Trung để đối phó với các mũi tiến công của ta và tìm cơ hội phản công chiếm lại Tây Nguyên. Hơn 15 ngàn tên địch thuộc Quân đoàn 2 (gồm 3 tiểu đoàn bảo an, 6 đại đội lẻ, 2 đội trinh sát dã chiến, một đại đội biệt kích, 1 chi đội thiết giáp và 1 pháo đội…) dắt díu theo vợ con ồ ạt tháo chạy từ Buôn Ma Thuột, Đăk Tô -Tân Cảnh – Kon Tum – Pleiku kéo theo đó hàng chục ngàn người dân cũng hoảng loạn giẫm đạp lên nhau thoát xuống đồng bằng qua ngả đường 7.

Đoán trước sự di chuyển của địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã lệnh cho Sư đoàn 320 phải thần tốc truy kích, tiêu diệt địch tại Cheo Reo-Phú Bổn, không cho địch tháo chạy về Duyên hải miền Trung.Trước đó, từ đầu tháng 3/1975, lực lượng Trung đoàn 95 của Bộ Tư lệnh B3 và lực lượng địa phương của H11 Gia Lai và H37 Đăk Lăk đã được lệnh chủ động đánh bật các chốt phòng vệ của địch dọc theo đường 7, giải phóng ấp chiến lược và giải phóng dân, chia cắt thường dân ra khỏi đội hình tháo chạy của địch, tạo điều kiện cho Sư đoàn 320 cắt rừng từ Đăk Lăk qua chiếm lĩnh các núi cao bao vây khu vực Cheo Reo – Phú Bổn, tiêu diệt địch…

Từ sáng ngày 18/3, lực lượng của ta đã bao vây khu vực Cheo Reo – Phú Bổn. Trong 2 ngày 18 – 19/3, nhiều trận đánh ác liệt, dữ dội giữa Sư đoàn 320 của ta và quân địch đã diễn ra ở trại Ngô Quyền, sân bay Phú Bổn, cầu sông Bờ, cầu Cây Sung, đèo Tô Na… Hàng ngàn xe máy và phương tiện quân sự của địch bị quân ta đánh cho tan tác, dồn ứ, chồng chéo lên nhau, khói lửa ngút trời, xác binh lính địch chết đặc mặt sông Ba bên đường. Đường 7 được xem là "vùng đất chết", nơi đặt dấu chấm hết cho toàn bộ Quân đoàn 2, Quân khu 2 ngụy tại chiến trường Tây Nguyên. "Đến 12 giờ ngày 19/3/1975, Sư đoàn bộ binh 320 của ta đã làm chủ chiến trường, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Bổn (nay là huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai).

Phát triển chiến dịch xuống thị xã Tuy Hòa (Phú Yên), ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 22.600 tên địch (diệt 9.438 tên, bắt sống 685 tên sĩ quan từ cấp úy trở lên; đặc biệt bắt sống Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm là phụ tá chỉ huy cuộc tháo chạy của Quân đoàn 2 ngụy trên đường 7); tiêu diệt 3 thiết đoàn xe tăng, 4 liên đoàn biệt động quân, liên đoàn thông tin, công binh, 6 liên đoàn pháo 175 li của địch…, phá tan âm mưu co cụm về đồng bằng của địch; đồng thời kết thúc thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên, tạo tiền đề cho Chiến dịch mùa xuân 1975 thắng lợi".

Chiến thắng đường 7 – sông Bờ đã từng được Đại tướng Văn Tiến Dũng đánh giá là cuộc truy kích mang tầm nghệ thuật quân sự lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh Đông Dương tính đến thời điểm đó.            

Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, đường 7 được đổi tên thành quốc lộ 25, trở thành tuyến giao thông huyết mạch nối liền các tỉnh Tây Nguyên và Trung Trung Bộ. Nhưng với nhiều lý do khác nhau, một thời gian dài, quốc lộ 25 gần như rơi vào cảnh bị lãng quên và hầu như không được đầu tư lớn để nâng cấp, cải tạo. Theo đánh giá của Cục Đường bộ Việt Nam, hiện trạng quốc lộ 25 chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp V miền núi- cấp đường thấp nhất hiện nay, trên tuyến có nhiều đoạn đường đèo chỉ rộng 3,5 mét- 4,5 mét, lớp láng nhựa mặt đường bị bong tróc khá nhiều; đó là chưa kể đến việc có tới 34 cầu cũ tải trọng thấp đã bị hư hỏng nặng. Vì thế từ lâu quốc lộ 25 đã mất sức “cạnh tranh” về chuyên chở hàng hóa, hành khách so với quốc lộ 19 (từ Pleiku xuống thành phố biển Quy Nhơn và ngược lại). Nhu cầu cấp thiết về mở rộng, nâng cấp để “đánh thức” quốc lộ 25 đã trở thành niềm khát khao của hàng triệu người dân Tây Nguyên và Phú Yên từ nhiều năm nay.

Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 25 được Bộ Giao thông vận tải giao cho Cục Đường bộ làm chủ đầu tư, tổng vốn hơn 1.389 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Dự án triển khai trên địa bàn hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, với tổng chiều dài toàn tuyến 88,12 km, phạm vi dự án chia làm hai đoạn, đoạn 1 từ Km 21+ 600 đến Km 99 + 432; đoạn 2 từ Km 113 đến Km 123. Sau khi cải tạo nâng cấp quốc lộ 25 đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp III, nền đường rộng 9 m, mặt đường rộng 7 m, tốc độ thiết kế 60 km/giờ; toàn tuyến có 13 cây cầu xây mới và các công trình cống, rãnh thoát nước, nút giao thông.

Không lâu nữa, khi toàn tuyến được làm xong, ngoài việc rút ngắn gần một nửa chặng đường so với Quốc lộ 19, Quốc lộ 25 cũng không có nhiều đèo, dốc lớn cản trở giao thông. Và mai này cảng Vũng Rô (tỉnh Phú Yên) được hoàn thiện đầu tư nâng cấp có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 10.000 tấn, khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) đi vào hoạt động, lúc đó chi phí vận chuyển hàng hóa lên Tây Nguyên và ngược lại trên Quốc lộ 25 sẽ kinh tế, an toàn hơn rất nhiều so với các tuyến đường và phương thức vận tải khác. Quốc lộ 25 sẽ giúp nối kết vùng nguyên liệu cây công nghiệp và nông sản rộng lớn của bắc Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ. Quốc lộ 25 sẽ trở thành huyết mạch giao thông quan trọng cho Tây Nguyên rộng đường ra biển lớn.         

Quốc lộ 25 như một dải lụa vắt ngang qua những quả đồi giữa thảo nguyên mênh mông nối liền các thị trấn trù phú của vùng Đông tỉnh Gia Lai xuyên suốt xuống Phú Yên. Bắt đầu từ QL14, đoạn khởi đầu của Quốc lộ 25 đi qua thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê)   "thủ phủ hồ tiêu" của cả nước, với diện tích trên 3.000ha, năng suất 40tạ/ha, chất lượng tiêu hàng đầu, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Phía dưới đèo Chư Sê, năm 1992, công trình đại thủy nông Ayun Hạ hoàn thành có sức tưới 13.500ha. Hệ thống kênh chính Bắc, Nam và mạng lưới kênh mương nội đồng ngày càng vươn xa, đất đai ở Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa như vỡ ra, cây cối nứt mầm, xanh tốt. Niềm vui của hàng vạn đồng bào Kinh, Jrai như vỡ òa cùng những vụ mùa bội thu. Hạt lúa nước Ayun Hạ đã tạo ra những kỳ tích cuộc sống cho người trồng lúa. Ông Rmah Son – Trưởng thôn Plei Mil, xã Ia Sol (Phú Thiện) cười khẳng định: "Đồng ruộng nước Ayun Hạ cho dân mình thay đổi, tiến bộ quá. Nhớ mới đây dân mình không dám bắt con bò kéo cày, kéo xe (sợ Yang phạt), chỉ đưa cái lưng ra gùi, cõng, nói gì đến chuyện sử dụng máy nông nghiệp. Giờ thì không riêng gì làng mình, khắp các buôn làng ở vựa lúa Ayun Hạ này làng nào cũng có hơn 50% số hộ có xe công nông, máy xới đất, những hộ khá giả mùa về có trên vài trăm bao lúa, đếm không xuể…".

 

Quốc lộ 25 được đầu tư nâng cấp, mở rộng, đáp ứng giao thông vận tải trong thời đại mới.

 

40 năm sau ngày giải phóng, trong những ngày tháng 3 lịch sử này, đi trên con đường 7 năm xưa – quốc lộ 25 hôm nay, chúng ta không khỏi ngạc nghiên trước sự đổi thay của vùng đất. Xuôi đèo Chư Sê, phóng tầm mắt về phía thung lũng Ayun Hạ, một bức tranh toàn cảnh trù phú hiện lên với đủ gam màu tươi sáng. Một vùng nông mới trên đường đô thị hóa đang từng bước thay da đổi thịt. Dọc hai bên Quốc lộ, từ điểm đầu đến điểm cuối, mỗi vùng quê đều có những đặc thù, sự trù phú và vẻ đẹp khác nhau. Những ngôi nhà dài truyền thống của người Jrai thấp thoáng ẩn mình bên những ngôi nhà xây kiên cố, nhiều kiểu dáng hiện đại, cùng với những ngôi trường mới, trụ sở mới khang trang, những nhà máy ẩn mình trong các khu, cụm công nghiệp cứ dần mọc lên, tất cả đều minh chứng cho sự đổi thay vượt bậc của các địa phương trên chặng đường đổi mới.

Đi qua biết bao sự tích hào hùng của quân và dân hai tỉnh Gia Lai – Phú Yên, những tên làng, tên đất ghi bao dấu tích hào hùng một thời giờ cũng đang trở thành những đô thị đông vui Chư Sê, Phú Thiện, AyunPa, Phú Túc, Củng Sơn, Phú Hòa, Tuy Hòa… Những thị trấn, thị tứ, những làng mạc, những công trình mới, những trang trại, hồ tiêu, những cánh đồng lúa, mía ngút ngàn đã và đang hình thành dọc theo tuyến đường báo hiệu một sự hồi sinh mạnh mẽ, một sức sống mới ấm no, thanh bình, hạnh phúc trên chiến trường xưa./.

Gia Cư


Lượt xem: 987

Trả lời