Đảm bảo hàng hóa thiết yếu cung ứng cho người dân trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP. Pleiku

Cập nhật 29/8/2021, 14:08:20

Nhờ có sự chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo các điều kiện thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 nên ngay sau khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng trên địa bàn thành phố Pleiku thì vấn đề cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân được đảm bảo, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.

  Theo ghi nhận tại Siêu thị Coop Mart Pleiku vào sáng hôm nay, lượng khách hàng đến siêu thị mua sắm đã giảm hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ chính thức áp dụng trên địa bàn thành phố Pleiku. Đại diện siêu thị cho biết, hiện tại khoảng 80% khách hàng chuyển từ mua hàng trực tiếp sang đặt hàng online nên lượng khách hàng đến Siêu thị giảm mạnh nhưng số lượng hàng hóa bán ra trong hai ngày vừa qua vẫn tăng gấp đôi so với ngày thường. Mặc dù nhu cầu mua sắm tăng cao như vậy, nhưng hiện tại hàng hóa vẫn còn khá phong phú, đa dạng về chủng loại, sản phẩm, kể cả các loại hàng hóa thiết yếu, đồng thời giá cả vẫn đảm bảo được bình ổn. Riêng mặt hàng mì tôm, hiện nay một số sản phẩm như Omachi, Aone, mì cay…tạm thời hết hàng, song vẫn có những sản phẩm mì khác thay thế để người dân lựa chọn.

Anh Trần Quang Hiệp, Khách hàng cho biết: “So với ngày thường không được nhiều nhưng hàng hóa tiêu dùng đáp ứng nhu cầu mua sắm thì vẫn đảm bảo, nên mình yên tâm”.

Chị Lê Nhật Anh, Khách hàng cũng nói: “Tôi đi siêu thị thì thấy hàng hóa vẫn phong phú như mọi ngày, giá cả cũng không có tăng, vẫn bình ổn.  Với hàng hóa, giá cả như hiện nay tôi nghĩ người dân cũng không cần phải đi mua tích trữ”.

Bà Châu Hoàng Thy, PGĐ Siêu thị Coop. Mart Pleiku cho biết: “Lượng hàng chúng tôi cung cấp cho đến thời điểm hiện nay là không thiếu, có hàng thay thế cho người tiêu dùng nên người dân yên tâm mua đủ dùng trong vòng 2-3 ngày, sau đó mua tiếp, hạn chế tập trung đông đúc. Khách hàng có nhu cầu đặt hàng online thì chúng tôi sẽ tiếp nhận, giao hàng tận nhà. Về hàng hóa cung ứng chúng tôi đảm bảo từ giờ cho đến khi hết thời hạn áp dụng Chỉ thị 16 vẫn đảm bảo đáp ứng đủ cho người dân, không để đứt và thiếu hàng hóa. Về giá cả trước và sau khi áp dụng Chỉ thị 16 thì vẫn bình ổn’.

Ngoài Siêu thị Coop Mart Pleiku thì hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 65 doanh nghiệp đầu mối và 115 doanh nghiệp phân phối tham gia cung ứng hàng hóa. Trong đó, Công ty cổ phần thương mại Gia Lai chiếm khoảng 50% thị phần cũng đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa nên đã góp phần ổn định thị trường hàng hóa trong thời điểm trước và sau khi thành phố Pleiku áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, đại diện công ty cho biết, riêng mặt hàng mì tôm do người dân mua tích trữ nhiều, số lượng tăng đột biến nên hiện nay mặt hàng này không còn đa dạng, phong phú về chủng loại, sản phẩm theo nhu cầu lựa chọn của người dân. Về phía Công ty đã làm việc với các đối tác để tăng lượng hàng hóa nhập về. Tuy nhiên hiện nay công tác vận chuyển đang gặp một số khó khăn, trong đó có liên quan đến vận chuyển hàng hóa qua các chốt kiểm soát dịch bệnh vào tỉnh.

Trịnh Xuân Vỹ, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Thương mại Gia Lai cũng nói: “Kể từ khi thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ thì một số mặt hàng thiết yếu  tăng đột biến, có những sản phẩm nhu cầu tăng lên 100% như mì tôm, sữa các loại.  Công ty cũng đã làm việc với các nhà cung ứng  đặt mua hàng, nhưng hiện nay  có một số sản phẩm đang gặp khó khăn do một số tỉnh phía Nam việc sản xuất, cung ứng, lưu thông gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh nên một  số mặt hàng dự trữ  cũng giảm so với trước đây.  Về phía Công ty cũng đã có văn bản gửi Sở Công Thương về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa được thông suốt,  những hàng nhập về thông qua các chốt kiểm dịch thì  hiện nay bị ách tắc, kéo dài dẫn đến không kịp  đáp ứng ra thị trường”.

Với kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu mà tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các doanh nghiệp chủ động thực hiện cũng như kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc phát sinh trong vấn đề lưu thông vận chuyển, nên người dân hoàn toàn yên tâm hàng hóa sẽ đảm bảo đáp ứng đầy đủ trong mọi tình huống, không nên mua tích trữ nhiều để tránh gây xáo trộn thị trường, tạo nên hiện tượng sốt ảo dẫn đến một số trường hợp lợi dụng tình hình để tăng giá, trục lợ ./.

Hồng Uyên, Minh Trung


Lượt xem: 10

Trả lời