Cơ hội mới cho nông nghiệp Gia Lai

Cập nhật 27/1/2022, 10:01:06

Năm 2021 vừa qua phải nói là một năm mà nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng phải đối mặt với nhiều gian khó, thách thức. Song, lĩnh vực nông nghiệp của Gia Lai vẫn đạt được những kết quả khả quan, không chỉ thực hiện đạt và vượt các kế hoạch đề ra mà còn tiếp tục giữ vững vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn của tình hình dịch bệnh. Lĩnh vực nông nghiệp đã xuất hiện những hướng đi mới, kỳ vọng mang đến hiệu quả cao và bền vững hơn, tạo tiền đề để bước sang năm 2022 tạo được những thành tựu cao hơn.

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và triển khai các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp tiến đến đáp ứng yêu cầu của một nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Vườn trái cây trĩu quả đang vào độ thu hoạch của anh Trần Văn Vân, ở thôn Đoàn Kết, xã A Yun Hạ, huyện Phú Thiện là kết quả của sự mạnh dạn trong chuyển đổi cây trồng từ cây lúa sang cây ăn trái của anh cách đây 3 năm. Gắn bó với nghề nông lâu năm, anh Vân hiểu được những bấp bênh mà cách làm truyền thống xưa nay phải đối mặt, vì thế khi chuyển sang hướng đi mới này, anh đã lựa chọn cách làm khác với cách làm truyền thống trước đây. Theo đó, toàn bộ vườn cây ăn trái gồm cam, bưởi, ổi… đều được định hướng từ đầu là áp dụng theo quy trình sản xuất hữu cơ để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường. Với cách làm mới này, đây là một trong những khu vườn đã được địa phương đưa vào quy hoạch vườn sinh thái để phục vụ cho định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trong thời gian đến của địa phương.

Ông Trần Văn Vân, Thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện cho biết: “Trồng cây ăn trái này thì rất là hiệu quả, hiệu qua cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa. Nếu mà có đất nữa thì còn mở rộng hơn nữa. Tôi cũng mong quảng bá cho khách du lịch để bán hàng, rồi làm sản phẩm OCOP để được nhiều người biết đến hơn”.

Là địa phương có nhiều tiềm năng, huyện Phú Thiện kỳ vọng việc kết hợp giữa phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sẽ là hướng đi mang đến nhiều triển vọng, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết: “Chúng tôi cũng đang xây dựng đề án ban hành kế hoạch triển khai phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn. Với lợi thế tiềm năng đất đai để phát triển du lịch và nông nghiệp, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương thành lập các HTX để phát triển du lịch nông thôn, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để đầu tư cũng như khai thác các tiềm năng phát triển về du lịch”.

Thời gian qua, từ chủ trương chung của tỉnh trong phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và triển khai các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, tiến đến đáp ứng yêu cầu của một nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Trong đó, có thể kể đến các đề án, chương trình lớn như: Đề án phát triển cây dược liệu, Đề án tái canh cây cà phê; Đề án phát triển rau, hoa, cây ăn quả; Đề án phát triển cà phê đặc sản …Những chương trình, đề án này được quan tâm, triển khai đã góp phần mang lại sinh khí mới cho một lĩnh vực được xác định là “trụ đỡ của nền kinh tế” nhưng thời gian dài chưa tạo được nhiều đột phá.

Ông Võ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh nói: “Năm 2021 thì huyện ban hành Đề án về sản xuất nông nghiệp ứng dụng cao. Năm 2021 từ nguồn vốn huyện giao thì Trung tâm đã triển khai được 5 mô hình. Thời gian sắp tới sẽ tiếp tục mở rộng một số mô hình có hiệu quả. Các chương trình khác, hiện tại Trung tâm cũng đã thực hiện chương trình khuyến nông tập trung vào  các loại cây ăn quả, tưới nước tiết kiệm và ứng dụng công nghệ cao”.

Ông Nguyễn Văn Luyến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông cho biết: “Thực hiện Đề án cà phê đặc sản, trên địa bàn huyện có 2 xã triển khai là Ia Phìn và Bàu Cạn. Ngành nông nghiệp huyện rà soát lại các vùng trồng cà phê để chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất cà phê đặc sản, thứ hai là có kế hoạch triển khai ứng dụng các giống cà phê mới, cà phê đạt chuẩn, tiến hành tập huấn cho người nông dân để thích ứng với sản xuất cà phê đặc sản. Hướng dẫn người dân sản xuất theo chuỗi giá trị, chế biến sâu để mang lại hiệu quả”.

Gia Lai là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 845 ngàn ha chiếm hơn một nửa tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh cũng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho việc phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi, nhất là phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Những năm qua, Gia Lai đã tập trung phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có tính cạnh tranh, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Những định hướng mang tính chiến lược và phù hợp với xu thế này đã được người nông dân, HTX xã và các doanh nghiệp đón nhận tích cực. Qua đó, đã có nhiều mô hình, cách làm hay được nhân rộng, phát triển.

Ông Nguyễn Viết Công, Giám đốc HTX NN & DV Nam Yang, huyện Đak Đoa cho biết: “HTX đang tập trung làm cà phê chất lượng cao để nâng cao giá trị, tạo nên vùng cây bền vững, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho bà con. Chúng tôi có những giải pháp canh tác bền vững cho vườn cây, tạo được môi trường, điều kiện sinh thái, tạo được công ăn việc làm, việc bán được giá thành cao thì mang lại thu nhập cho cả doanh nghiệp, HTX và người nông dân sản xuất cà phê”.

Để nông nghiệp phát triển bền vững, đi vào chiều sâu, trở thành một nền nông nghiệp theo định hướng hàng hóa, hiện tỉnh Gia Lai đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu nông sản, trang trại chăn nuôi quy mô lớn, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Những doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò làm đầu chuỗi để liên kết sản xuất với kinh tế hộ nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu dùng. Với mối liên kết chặt chẽ, xuyên suốt được xây dựng từ nông dân đến doanh nghiệp, sẽ là điều kiện để Gia Lai thực hiện chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp trong thời gian đến.

Ngọc Hà, Phi Long


Lượt xem: 1

Trả lời