Chiếc gùi trong đời sống của người Jrai

Cập nhật 22/1/2022, 08:01:08

Trong đời sống của người Jrai nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên nói chung, từ bao đời nay chiếc gùi đã trở thành một vật dụng rất gần gũi, gắn bó, không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày và trở thành một nét đẹp văn hóa. Chiếc gùi như một tác phẩm nghệ thuật được tạo từ đôi bàn tay khéo léo, mang tâm tư, tình cảm của người làm ra nó.

Nếu có dịp vào các làng đồng bào các DTTS, chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh từ cụ già, đàn ông, phụ nữ đến trẻ em đeo gùi sau lưng. Chiếc gùi theo họ lên rừng, đi rẫy; ra suối lấy nước; đi chợ, đi chơi,… Chiếc gùi sau lưng như chở cả thế giới của họ.

Có thể nói, chiếc gùi là vật dụng gắn liền với cuộc sống của đồng bào người Tây Nguyên nhất, đặc biệt là phụ nữ. Với họ, chiếc gùi còn là niềm kiêu hãnh, là trang sức, là sự gắn bó máu thịt của họ chứ không chỉ đơn thuần là dụng cụ để mang vác, thay thế cho đôi bàn tay như từ ngàn xưa đến nay.

Gùi không chỉ là vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người Jrai mà nó còn giữ vai trò rất quan trọng trong các dịp tổ chức lễ hội của dân tộc, như: Lễ cúng Yàng, Mừng lúa mới…

Em Siu Xanh – Làng Ó, xã Ia Vê, huyện Chư Prông nói: “Từ nhỏ em đã biết đeo gùi để đựng đồ rồi. Em mang cái gùi này vui lắm, đi rẫy cũng mang gùi, đi hái cà phê cũng mang gùi. Đi múa ở các lễ hội em cũng dùng gùi. Em rất là vui và tự hào về chiếc gùi của dân tộc mình”.

 Em Kpui Hạnh – Làng Ó, xã Ia Vê, huyện Chư Prông cũng nói: “Chiếc gùi rất có ý nghĩa đối với người Jrai mình, chiếc gùi này đi làm, đi múa hay đi đâu mình cũng mang gùi. Mình rất tự hào về chiếc gùi truyền thống của dân tộc”.

Với người Jrai, chiếc gùi được tạo nên từ bàn tay khéo léo của những người đàn ông lớn tuổi trong làng. Để làm nên một chiếc gùi, không chỉ tốn thời gian mà cần cả sự khéo léo, tỉ mẩn của những bàn tay tài hoa; bởi với người Jrai thì mỗi chiếc gùi làm ra không chỉ để sử dụng lâu bền mà cần phải đẹp đẽ. Hiện nay, tại các làng đồng bào DTTS, những người biết đan gùi ngày càng ít.

Tại làng Ó, xã Ia Vê, huyện Chư Prông hiện chỉ còn khoảng 10 người biết đan gùi, hầu hết họ đều đã lớn tuổi, trong đó có người nay đã bước sang tuổi 80. Và mong muốn lớn nhất của họ là có thể truyền nghề đan gùi cho con cháu để gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Già làng Siu Jo – Làng Ó, xã Ia Vê, huyện Chư Prông cho biết: “Mình biết đan gùi từ những ngày còn thanh niên, giờ già rồi, sắp không làm được nữa, mình mong muốn con cháu mình học để biết đan gùi, để giữ cái nghề truyền thống của dân tộc. Cái gùi gắn bó với đời sống của bà con mình bao đời nay rồi, mình hái lá mì cũng bỏ trong gùi, xúc lúa cũng bỏ trong gùi, chặt cái củi cũng bỏ trong gùi, múc nước cũng bỏ trong gùi, cái gì cũng bỏ trong gùi, không bỏ gùi được”.

Già làng Ra Lan Blol – Làng Ó, xã Ia Vê, huyện Chư Prông cho biết: “Đan gùi là phong tục tập quán từ xưa, nay già vẫn giữ lại. Làm một cái gùi mất đến 4 ngày mới hoàn thành. Không bỏ được phong tục tập quán và muốn truyền lại cho con cháu sau này”.

      Gùi là phương thức vận chuyển từ bao đời nay của người Jrai. Cùng với dòng chảy của thời gian, đời sống của người Jrai nay đã khác trước. Nhiều gia đình đã có phương tiện vận chuyển hiện đại như xe máy, xe ô tô,…nhưng chiếc gùi vẫn là phương tiện vận chuyển khó có thể thay thế của họ. Chiếc gùi đã, đang và sẽ còn gắn bó thân thiết với cuộc sống của người Jrai nói riêng và các DTTS ở Tây Nguyên chung. Chiếc gùi sẽ sống mãi cùng thời gian, từ quá khứ, hiện tại và cả tương lai trong đời sống văn hóa của người Jrai…

Lê Thư, Phi Long


Lượt xem: 11

Trả lời