Chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ

Cập nhật 06/5/2014, 14:05:58

Cùng thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, trên khắp các chiến trường với tinh thần quyết chiến quyết thắng, nhất định giành được độc lập tự do, quân và dân ta đã đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp và giành những thắng lợi to lớn. Đây là yếu tố quan trọng để góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Năm 1953, sau 7 năm thất bại liên tiếp trước sức mạnh chiến đấu bền bỉ và mãnh liệt của quân và dân ta, thực dân Pháp đã đề ra kế hoạch Nava- một kế hoạch tác chiến qui mô lớn được Mỹ hỗ trợ hòng cứu vãn tình thế nguy ngập của chúng trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Song chúng đã vấp phải những sai lầm trước sức mạnh phi thường của quân và dân ta. Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, trước, trong và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, trên khắp các chiến trường từ đồng bằng Bắc Bộ đến Bình Trị Thiên khói lửa và Tây Nguyên, Liên Khu 5 đến đồng bằng Nam Bộ quân và dân ta đã nhất tề đứng lên chống Pháp. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng quân ta đã triển khai nhiều trận đánh ác liệt để làm tiêu hao lực lượng và giữ chân địch.

 

Ông Đinh Văn Khánh- CCB tham gia kháng chiến chống Pháp xúc động kể lại: Khi đó ở đường 19 cũng như ở Cheo Reo, IaMlá đã diễn ra nhiều trận đánh. Theo sự chỉ đạo của Trung ương, mục đích ta triển khai các trận đánh là nhằm giữ chân và làm tiêu hao sinh lực địch; phân tán lực lượng địch để không cho ra chiến trường Điện Biên Phủ.

                                                                                          

Đặc biệt, cùng thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ trên chiến trường miền Trung-Tây Nguyên đã diễn ra trận đánh vô cùng ác liệt và có ý nghĩa quan trọng đó là trận đánh ĐăkPơ-cửa ngõ phía Đông của Pleiku-Gia Lai. Hôm nay, trở lại chiến trường ĐăkPơ, trong lòng ông Dương Chí Trực nguyên chiến sĩ Đại đội 4-Tiểu đoàn 40-Trung đoàn 96- là một trong những người trực tiếp tham gia trận ĐăkPơ cách đây 60 năm rất xúc động. Ngày đó, nhằm bảo toàn lực lượng Pháp điều động Binh đoàn cơ động 100 hùng mạnh để trấn giữ “yết hầu” lên Tây Nguyên. Với phương châm không để cho địch chạy thoát, Trung đoàn 96 cùng với một số đơn vị của ta phục kích chiến đấu, tiêu diệt và xóa sổ Binh đoàn cơ động 100 của địch. Chiến thắng ĐăkPơ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ- được xem là “Điện Biên Phủ của Liên khu 5”.

 

 

Ông Dương Chí Trực-Người tham gia trận Đăk Pơ 1954 kể lại: Ngày đó chúng tôi đã sống và chiến đấu với mục đích là phải chiến thắng. Lực lượng của ta ngày đó trang bị rất mỏng, vũ khí thô sơ, trong khi địch rất mạnh, vũ khí hiện đại, tối tân nhưng với tinh thần kiên cường, chúng ta đã chiến thắng…

 

Quân và dân tỉnh Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung rất tự hào vì đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ.

 

Ông Ngô Thành- Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai khẳng định: Vào tháng 2 năm 1954 ta đã giải phóng Kon Tum. Với khí thế đó nhiều nơi trên chiến trường Tây Nguyên và Gia Lai đã diễn ra nhiều trận đánh ách liệt để làm tiêu hao sinh lực địch, để địch hoang mang. Nhất là trận đánh ĐăkPơ là trận đánh lớn nhất ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên, góp phần làm nên thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ.                                                                       

      

Từ những trận đánh có sự liên kết và phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường trong nước đến liên minh chiến đấu giữa Việt Nam-Lào và Campuchia, chúng ta đã buộc Pháp phải phân tán lực lượng để đối phó dẫn đến phá sản kế hoạch Nava đầy tham vọng, tạo điều kiện để ta giáng đòn quyết định, giành thắng lợi vẻ vang trong chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại./.

Hà Đức-R’Piên


Lượt xem: 76

Trả lời