“Cày đêm”       

Cập nhật 27/1/2022, 15:01:39

Những năm gần đây, vì thiếu đất sản xuất nên hàng trăm  người nghèo là đồng bào Bahnar tại xã Đông, huyện Kbang đã xin vào làm công nhân cạo mủ  cao su tại một công ty cao su đóng chân trên địa bàn. Nhờ cần cù, chịu khó, thức dậy làm việc từ lúc mặt trời chưa ló dạng nên nhiều người đã có mức thu nhập cao mỗi tháng, qua đó dần vươn lên thoát nghèo.

Một ngày giữa tháng 10/2021, do ảnh hưởng cơn bão số 8, trời mưa như trút nước. Trong lán trại của nhóm người Bahnar (làng Rõ – xã Đông) đi cạo mủ cao su,  tuy nhiều chỗ đã bị ướt sũng, nhưng mọi người vẫn thấy ấm áp nhờ những tiếng cười, nói vui vẻ và bếp lửa cháy đượm đang nấu bữa cơm tối. Sau bữa tối, họ tranh thủ nghỉ ngơi vài giờ để lấy sức cho ngày làm việc mới.

1 giờ sáng, trời vẫn chưa ngớt mưa, ngày làm việc mới bắt đầu. Những ánh đèn pin đội đầu le lói trong đêm tối dẫn đường họ vượt qua những con đường lầy lội, trơn trượt để đến với những lô cao su.

Anh Đinh Văn Thép, Làng Rõ, xã Đông, huyện Kbang nói: “Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, không biết làm gì để nuôi con cái rồi sau đó được tuyển dụng vào Công ty Thảo Nguyên Xanh cạo mủ thì chúng tôi từ đó cũng đỡ tý.”

Chị Đinh Thị Nhanh, Làng Rõ, xã Đông, huyện Kbang cho biết: “Chồng mắt kém không cạo được, tôi lên đây học cạo được 9 ngày thì họ cho vườn cạo. Tôi làm từ đấy đến bây giờ được 3 năm. Nuôi con, thằng cu lớn đi học không có tiền, mẹ phải lên đây; thằng út còn nhỏ – mới hơn 2 tuổi. Lúc ấy lên đây rất là khó khăn, con nhỏ quá lên đây nhớ con, làm 4-5 bữa là về nhà ôm con con khóc, nhớ con quá”.

 Bắt đầu công việc giữa chốn rừng sâu dù vất vả nhưng điều đó không làm khó được những người cạo mủ cao su.

Anh Đinh Văn Thép, Làng Rõ, xã Đông, huyện Kbang cho biết: “Công việc cạo mủ cao su vất vả, trời mưa, nắng gió nhưng mà nắm được kỹ thuật trong tay thì nó cũng đơn giảm và làm cũng thuận tiện.”

Chị Đinh Thị Nhanh, Làng Rõ, xã Đông, huyện Kbang cho biết: “Ở nhà đất lao động thì thiếu, có ít đất nhưng mà trồng keo hết rồi, phải lên làm thêm cứ ở nhà không biết làm cái gì. Lúc hết mùa cạo thì tôi đi chặt mía thuê cho họ, lúc rãnh rồi thì ai thuê gì tôi làm cái  đó.”

Anh Đinh Văn Thép – làng Rõ nói thêm: “Bà con muốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phải cố gắng đi làm kinh tế không nên ở nhà trông chờ, ỷ lại nhà nước, chúng ta tự vươn lên và xóa đói giảm nghèo cho bản thân mình.

Nơi đây – khu rừng cao su của Công ty Thảo Nguyên Xanh – Kbang, có hơn 100 công nhân, đa số họ là người Bahnar thiếu đất sản xuất, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Nhờ siêng năng, chịu khó làm việc này mà giờ đây mỗi người có thêm trên 7 triệu đồng hàng tháng để trang trải cuộc sống.

“Ngủ ngày, cày đêm” – cụm từ mà nhiều người dùng để nói về nghề cạo mủ cao su. Nghề này với đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam của tỉnh ta đã khá phổ biến. Nhưng với đồng bào Bahnar ở Kbang thì đây là việc làm mới; và qua thực tế cho thấy nó thật sự phù hợp với những hộ thiếu đất sản xuất, biết tranh thủ thời gian để lao động, tăng thu nhập.

Những ánh bình minh đầu tiên xuất hiện báo hiệu cho ngày cạo mủ cao su kết thúc, nhưng đồng thời cũng mang đến tia hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn với những người nông dân chịu khó “cày đêm”./.

CTV Hồng Hạnh (Huyện Kbang)           

 


Lượt xem: 4

Trả lời