Tổng thống Mỹ đang phung phí thành quả

Cập nhật 14/1/2018, 20:01:20

Tỷ lệ ủng hộ ông Trump đi ngược với thành quả kinh tế đạt được sau 1 năm cầm quyền. Đây là chỉ dấu cho thấy sự yếu kém về mặt chính trị của ông.

Theo lẽ thông thường, những thành quả kinh tế là thước đo chính xác nhất hiệu quả làm việc của một nhà lãnh đạo sau quãng thời gian cầm quyền. Và nó đánh giá liệu một nhà lãnh đạo có xứng đáng được cử tri bầu ra hay không. Xét trên khía cạnh này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoàn thành rất tốt các cam kết với cử tri sau một năm điều hành công việc tại Nhà Trắng.

tong thong my dang phung phi thanh qua hinh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng liên tục. Chỉ số Công nghiệp Dow Jones đi lên gần 29% kể từ ngày bầu cử Tổng thống 8/11/2016. Chỉ số S&P 500 tăng 21%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 4.1% (ở mức gần như mọi người Mỹ đều có việc) – mức thấp nhất trong vòng 17 năm qua. Thành quả này cũng có thể bắt nguồn từ xu hướng đi lên của kinh tế Mỹ, chứ không hẳn là do những chính sách của ông Trump tạo ra.

Tuy nhiên, ‘Hiệu ứng Trump’ là một nhân tố quan trọng được nhắc tới. Những cam kết tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn mà Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đưa ra góp phần xây dựng tâm lý lạc quan cho thị trường. Với đà này, Tổng thống Trump rất có thể hoàn thành mục tiêu ‘đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại’ trong gần 3 năm còn lại của nhiệm kỳ.

Nếu chiểu theo các logic truyền thống của chính trị Mỹ, ‘thành tích’ 4.1% số người thất nghiệp phải mang lại cho ông Trump tỷ lệ ủng hộ trên 60% trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên. Và với những kết quả đã và đang đạt được, khá nhiều kỳ vọng cho rằng ông Trump xứng đáng có được trên 50% ý kiến tán thành.

Tuy nhiên, các con số hiện tại đang đảo ngược suy nghĩ đó. Vì nhiều lý do khác nhau, tỷ lệ ủng hộ ông vẫn đang duy trì ở sát mức 40%, điều chưa từng có kể từ thập niên 1930 trở lại đây.

Duy nhất chỉ có Tổng thống Lyndon Johnson có tỷ lệ ủng hộ dưới 50% khi tỷ lệ thất nghiệp dưới 5%. Nhưng đó là khi Johnson đã bước sang nhiệm kỳ thứ hai và cuộc chiến tranh tại Việt Nam đang tạo áp lực lên Nhà Trắng.

Điều đó cho thấy các thành tựu kinh tế không còn đóng vai trò động lực chủ yếu ‘nâng đỡ’ lòng tin của công chúng với một Tổng thống ‘phi truyền thống’ như Trump. Cũng phải thừa nhận ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống với tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong lịch sử, nên việc cải thiện các con số này trong một sớm một chiều cũng không phải là dễ dàng gì.

Hiển nhiên, mọi việc chưa phải là thảm họa bởi các kết quả kinh tế cùng các lĩnh vực khác sẽ còn giúp ông cải thiện tình hình, nhưng phần nào nó cũng đặt ra gánh nặng với Trump trong phần còn lại của nhiệm kỳ, và cả với mong muốn tái cử (nếu có). Mặt khác, việc đảng Cộng hòa tiếp tục duy trì thế kiểm soát hai viện Quốc hội cũng là một lợi thế với ông.

Bom nổ chậm với phe Cộng hòa?

Năm 2018, nước Mỹ sẽ có một bài sát hạch lớn cho các đảng phái. Đó là cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, nơi mà đảng Dân chủ đang lên đầy tự tin sau chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử thượng nghị sỹ bang Alabama. Người ta vẫn tin rằng uy tín của Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa sẽ có thể phục hồi như tinh thần của cuộc bầu cử Tổng thống 2016.

Tuy nhiên, tình hình bây giờ đã khác. Ông Trump đã là Tổng thống và các cuộc bầu cử có xu hướng đánh giá chính đảng đang nắm quyền. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống là yếu tố dự báo khá sát kết quả cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới và cũng giúp ích nhiều cho các cuộc bầu chọn tại Quốc hội.

Kể từ năm 1950, không đảng nào có thể kiểm soát Hạ viện Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ nếu Tổng thống của đảng đó có ít hơn 40% sự ủng hộ. Thế đang lên của đảng Dân chủ sau các cuộc bỏ phiếu bầu thượng nghị sĩ tại Alabama và bầu Thống đốc tại Virginia trong năm 2017 là lời cảnh báo sớm. Nếu không, năm 2018 sẽ chứng kiến một ‘cuộc tắm máu’ với phe Cộng hòa như cảnh báo của chính Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Mỹ từ giờ sẽ phải ‘chăm chút’ nhiều hơn tới tỷ lệ ủng hộ dành cho mình./.

Theo VOV


Lượt xem: 25

Trả lời