Thử hạt nhân, Triều Tiên ngấm ngầm nhắm tới Trung Quốc

Cập nhật 08/1/2016, 14:01:35

Một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân là điều rất khó chịu với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh không thể phản ứng thái quá dẫn tới đổ vỡ quan hệ đồng minh.

thu-hat-nhan-trieu-tien-ngam-ngam-nham-toi-trung-quoc

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và quan chức cấp cao Trung Quốc Liu Yunshan tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng tháng 10/2015. Ảnh: Reuters

Hôm 6/1, Triều Tiên giải thích việc nước này lần đầu tiên thử bom nhiệt hạch là để đáp trả "chính sách thù địch" của Mỹ, nhưng các chuyên gia cho rằng vụ thử hạt nhân lần thứ tư này chứng tỏ quan hệ Trung – Triều đang bị xói mòn nghiêm trọng, đẩy Bắc Kinh và thế tiến thoái lưỡng nan trong quan hệ với Bình Nhưỡng, theo Washington Post.

Giới phân tích cho rằng, câu hỏi đặt ra hiện nay là Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào trước vụ thử hạt nhân trên, để vừa không phải từ bỏ một "đồng minh rắc rối" vừa ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc chống lại Triều Tiên.

Mike Chinoy, cựu trưởng thường trú của CNN tại Bắc Kinh cho rằng vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên "là một cái tát vào mặt Trung Quốc", và sẽ khiến Bắc Kinh vô cùng giận dữ.

"Vụ thử hạt nhân này là một động thái phản đối Bắc Kinh", Bo Zhiyue, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại thuộc Đại học Victoria ở New Zealand, nói. "Triều Tiên như đang muốn thể hiện rằng: Chúng tôi có thể làm bất kỳ điều gì chúng tôi muốn. Điều này cho thấy chúng tôi độc lập và chúng tôi không cần bất cứ ai phê chuẩn".

Các nhà khoa học và các chuyên gia cho rằng vụ thử này gần như chắc chắn không phải bom nhiệt hạch, tuy nhiên dù thử bất kỳ vũ khí hạt nhân nào trong bối cảnh hiện nay cũng là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ tiếp tục chống lại thế giới bên ngoài, gồm cả Trung Quốc, nước từ lâu nay đã bày tỏ sự bất bình với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Hôm 6/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Triều Tiên đã "phớt lờ" sự phản đối của cộng đồng quốc tế khi tiến hành vụ thử hạt nhân mới nhất. "Trung Quốc kiên quyết phản đối hành động này. Chúng tôi hối thúc Triều Tiên thực thi đầy đủ cam kết phi hạt nhân hóa và chấm dứt ngay bất kỳ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói.

Bà Hoa cũng tiết lộ trong một cuộc họp báo thường lệ rằng Bắc Kinh đã không được Bình Nhưỡng thông báo trước về vụ thử này và sẽ triệu tập đại sứ Triều Tiên ở Bắc Kinh để phản đối.

Theo các chuyên gia, ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng đã suy giảm kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền cuối năm 2011 và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2013. Hai nhà lãnh đạo này chưa hề gặp nhau kể từ khi lên nắm quyền, thậm chí ông Tập còn làm "bẽ mặt" Kim Jong-un bằng chuyến thăm lần đầu tiên tới Hàn Quốc năm 2014.

Hồi tháng 10/2015, quan hệ hai nước tưởng chừng như ấm lên khi ông Tập cử một phái đoàn đến dự cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng, gửi theo một bức thư có chữ ký kèm "những lời chúc tốt đẹp nhất" gửi tới ông Kim. Tuy nhiên, mối quan hệ này nhanh chóng đóng băng trong tháng 12 sau khi ông Kim tuyên bố Triều Tiên đã chế tạo thành công bom nhiệt hạch. Ban nhạc nữ nổi tiếng của Triều Tiên Moranbong đã rời khỏi Bắc Kinh ngay trước khi bắt đầu buổi biễu diễn ra mắt tại Trung Quốc vì những bất đồng liên quan đến hình ảnh tên lửa trong một bài hát.

"Sự cố ban nhạc Moranbong cơ bản cho thấy các ý định của Triều Tiên và chứng tỏ mối liên lạc trao đổi giữa Trung Quốc và Triều Tiên khá tệ", Xuan Dongri, giám đốc Viện nghiên cứu Đông Bắc Á tại Đại học Yanbian ở Đông Bắc Trung Quốc, nói. "Hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và Triều Tiên ngày càng xuống cấp trầm trọng".

Chuyên gia Bo cho rằng vấn đề then chốt trong mối quan hệ Trung – Triều là tính tập quyền ở Bắc Kinh dưới thời ông Tập, khi ông tham gia giải quyết tất cả các thách thức trong chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc. Vì ông Tập chưa từng gặp mặt ông Kim Jong-un, hai nước có rất ít đối thoại thực chất diễn ra và không nhiều quan chức Trung Quốc tham gia thảo luận tìm biện pháp gây ảnh hưởng tốt nhất với Triều Tiên, ông Bo nói.

"Bạn cần thiết lập đường dây liên lạc nếu muốn thuyết phục phía bên kia, nếu không thì làm gì có đòn bẩy cho quan hệ?", chuyên gia này cho biết.

Theo Bo, ông Tập không những ngày càng miễn cưỡng tiến gần hơn tới biện pháp cô lập và trừng phạt Triều Tiên của Mỹ, mà còn "bất lực" trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Khó xảy ra đổ vỡ

Các nhà phân tích cho rằng một sự đổ vỡ hoàn toàn quan hệ Trung – Triều khó xảy ra, dù Triều Tiên quyết không từ bỏ chương trình hạt nhân vốn được coi là "bảo bối trấn quốc" của nước này. Tuy nhiên, vụ thử nghiệm lần thứ tư này thực sự là một thách thức thực sự với Trung Quốc, theo một số nhà phân tích.

thu-hat-nhan-trieu-tien-ngam-ngam-nham-toi-trung-quoc-1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Hàn Quốc năm 2014. Ảnh: AP

"Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với áp lực gia tăng cả trong nước và quốc tế yêu cầu trừng phạt và kiềm chế ông Kim Jong-un cũng như gây sức ép buộc Bình Nhưỡng hoàn toàn từ bỏ các vũ khí hạt nhân của họ", Yanmei Xie, nhà phân tích thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế tại Bắc Kinh nói. "Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phản ứng theo đường lối cũ là lên án, thắt chặt các lệnh trừng phạt đồng thời kêu gọi khôi phục đàm phán 6 bên".

Triều Tiên đã rút khỏi các cuộc đàm phán với Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản về chương trình hạt nhân của họ năm 2009. Hôm 6/1, phát ngôn viên Hoa Xuân Doanh đã nói rằng đàm phán "là cách duy nhất có hiệu quả và thiết thực để giải quyết vấn đề Bình Nhưỡng".

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên và cung cấp hầu hết dầu khí cũng như chiếm một nửa viện trợ nước ngoài cho nước này. Tuy nhiên Trung Quốc hiện chưa muốn cắt đứt quan hệ do lo sợ sự sụp đổ của chính quyền Triều Tiên.

Paul Haenle thuộc Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh cũng đồng tình khi cho rằng dù Bình Nhưỡng chỉ đề cập đến Mỹ trong phản ứng sau vụ thử hạt nhân, nhưng "ý định thực sự của họ là nhằm vào Trung Quốc". Theo ông Haenle, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải phản ứng thận trọng và có thể là cứng rắn hơn đối với Triều Tiên.

"Sự chống đối của Triều Tiên không chỉ làm tổn hại đến vai trò lãnh đạo mạnh mẽ và đáng tin cậy của Trung Quốc trong giải quyết vấn đề này, mà còn khiến Mỹ tăng cường thế trận an ninh trong khu vực cũng như tăng cường sự hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh châu Á – Thái Bình Dương, điều mà Bắc Kinh không hề mong muốn", theo chuyên gia Haenle.

"Đối với Bắc Kinh, một Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân là rất khó chịu và đáng lo ngại, tuy nhiên sự sụp đổ chính quyền ở Bình Nhưỡng sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn quy mô lớn ngay sát sườn, có thể dẫn đến việc bán đảo Triều Tiên thống nhất dưới ảnh hưởng của Mỹ, và đây là điều Trung Quốc vô cùng lo ngại", chuyên gia Xie nhấn mạnh.

Theo VN EXpress


Lượt xem: 29

Trả lời