Liên minh châu Âu chưa tìm được tiếng nói chung về áp giá trần khí đốt

Cập nhật 25/11/2022, 06:11:17

Đề xuất mà Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa ra cách đây 2 ngày là có nên áp giá trần hay không và nếu có thì xác định giá trần như thế nào, vẫn tiếp tục gây tranh cãi.

Liên minh châu Âu chưa tìm được tiếng nói chung về áp giá trần khí đốt

Ủy ban châu Âu đề xuất mức giá trần khí đốt là 275 euro/MWh – mức trần quá cao, đến mức không còn ý nghĩa gì nữa, và có thể sẽ không bao giờ áp dụng, theo nhiều nước châu Âu. Giá khí đốt lúc này chỉ là 120 euro.

Bà Anna Moskwa – Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan: “Giá trần đề xuất là không thể chấp nhận được, quá cao so với giá thị trường hiện nay. Tôi không biết hôm nay có nước nào ủng hộ mức trần cao đến mức thế này hay không. Tôi nghĩ là không ai cả”.

Ông Konstantinos Skrekas – Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng Hy Lạp: “Mức trần giữa 152 và 100 euro sẽ thực tế hơn và giúp giảm giá khí đốt, đó mới là thách thức chính ở châu Âu trong mùa đông này và mùa đông tới”.

Bài toán của Ủy ban châu Âu là phải làm sao để kiềm chế giá khí đốt không quá cao, nhưng cũng không quá thấp đến nỗi bên bán không còn muốn bán. Theo đề xuất của Ủy ban châu Âu, cơ chế giá trần sẽ chỉ được kích hoạt nếu giá khí đốt vượt quá 275 euro liên tục trong vòng 2 tuần liên tục. Các nước thành viên chỉ ra điểm phi thực tiễn của cơ chế đó, ngay cả trong tháng 8 vừa rồi, giá khí đốt có lúc lên tới 350 euro, thì khoảng thời gian giá vượt quá 275 euro cũng chỉ là một tuần. Nói cách khác, cơ chế giá trần như Ủy ban châu Âu đề xuất, có cũng sẽ như không.

Liên minh châu Âu chưa tìm được tiếng nói chung về áp giá trần khí đốt - Ảnh 1.

Bà Teresa Ribera Rodríguez – Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Tây Ban Nha: “Chúng tôi nghĩ rằng áp giá trần cố định là sai lầm. Sẽ hợp lý hơn nếu đặt một mức giá động, tham chiếu từ giá thị trường, rồi cộng thêm một khoảng giá nào đó. Chỉ nên thảo luận về khoảng giá đó mà thôi”.

Ông Rob Jetten – Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan: “Áp đặt giá trần là một cơ chế có tham vọng điều chỉnh thị trường tự do, có thể làm cho các nhà giao dịch không còn muốn bán khí đốt cho châu Âu nữa. Chúng ta cần phải làm theo cách khác.

Một chi tiết đã được nhất trí ngay từ đầu là cơ chế giá trần khí đốt nếu được thông qua thì cũng sẽ chỉ có hiệu lực trong một năm, quãng thời gian mà Ủy ban châu Âu cho rằng vừa đủ để các nước châu Âu thoát khỏi lệ thuộc vào khí đốt. Các Bộ trưởng Năng lượng châu Âu sẽ còn phải tiếp tục thảo luận đề tài này vào ngày 5/12 sắp tới.

Châu Âu bất đồng về áp giá trần khí đốt

Trong số 28 nước châu Âu thì 15 nước muốn áp giá trần khí đốt, tất nhiên là phải là một mức giá thấp chứ không cao như Ủy ban châu Âu đề xuất. Vấn đề là những nước có kinh tế vững mạnh như Hà Lan, Thụy Điển, Áo và Phần Lan lại phản đối bất kỳ mức giá trần nào, vì lo ngại thị trường tự do vận hành theo lợi nhuận, can thiệp quá sâu có thể lại phản tác dụng.

Liên minh châu Âu chưa tìm được tiếng nói chung về áp giá trần khí đốt - Ảnh 2.

Nhưng còn một yếu tố nữa làm cho giá trần không còn là vấn đề cấp bách, đó là giá khí đốt đã giảm mạnh về mức giá của tầm này năm ngoái, trong khi các kho dự trữ ở châu Âu đã đầy, nguồn cung khí hóa lỏng dồi dào và mùa đông không lạnh như mọi năm, khả năng giá khí đốt tăng vọt như hồi mùa hè năm nay khó có thể lặp lại.

Giải pháp kiềm chế giá khí đốt

Cuộc họp hôm nay thảo luận cả về hai biện pháp, thứ nhất là mua chung khí đốt, như cách mà Ủy ban châu Âu đã tiến hành khi mua chung vaccine ngừa COVID-19, mua chung thì tránh được cảnh tranh mua giữa cách nước châu Âu, mà lại tận dụng được sức mạnh của khối lượng lớn để có giá mua tốt hơn.

Thứ hai là đơn giản hóa các thủ tục cấp phép cho điện gió và điện mặt trời. Hai biện pháp này nhận được đồng thuận. Tuy nhiên, do chưa thỏa thuận được về giá trần khí đốt, các Bộ trưởng Năng lượng châu Âu muốn họp thêm một kỳ nữa sát trước Thượng đỉnh châu Âu giữa tháng 12 tới đây, để có thể trình lên lãnh đạo châu Âu một gói giải pháp lâu dài liên quan tới kiềm chế giá khí đốt.

Trong khi áp trần giá khí đốt chưa tạo được đồng thuận, thì áp trần giá dầu đối với dầu nhập khẩu từ Nga lại được các nước châu Âu ủng hộ. Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới đề xuất ấn định mức áp trần giá dầu Nga trong khoảng từ 65 đến 70 USD/thùng, một số nước Đông Âu cho rằng nên hạ thấp mức trần hơn nữa, vì chi phí sản xuất chỉ vào khoảng 20 USD/thùng.

Theo VTV


Lượt xem:

Trả lời