Hơn 100 nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (COP27)

Cập nhật 06/11/2022, 06:11:15

Hôm nay, tại Ai Cập sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP27).

Hội nghị COP 27 được tổ chức tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập, dự kiến từ ngày 6-18/11/2022. 

Dự kiến, hơn 35.000 đại biểu quốc tế, trong đó có hơn 100 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các chính phủ trên thế giới sẽ tham dự sự kiện.

Trong hai tuần Hội nghị, các đại biểu tham dự sẽ tập trung vào một số vấn đề chính cần giải quyết như nỗ lực giảm phát thải carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu, vấn đề tài chính và những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.

Ngay trước thềm hội nghị, Ai cập đã kêu gọi các nước đặt lợi ích quốc gia sang một bên và nêu cao tinh thần trách nhiệm tập thể nhằm giải quyết thách thức toàn cầu liên quan tới biến đổi khí hậu.

COP27 đàm phán khí hậu dưới tác động địa chính trị

Vòng đàm phán năm nay diễn ra trong bối cảnh thời tiết cực đoan và khủng hoảng năng lượng, nhưng nhất là trong bối cảnh địa chính trị đang chia rẽ thế giới. Thời tiết ấm áp bất thường vào đầu mùa đông nhắc người châu Âu nhớ ra rằng Trái đất vẫn đang tiếp tục nóng lên.

Hơn 100 nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (COP27) - Ảnh 1.

Những sự kiện bất ngờ từ đầu năm nay đã mang lại cho vấn đề khí hậu một tầm vóc mới mẻ. Tờ Tin điện ra tại Pháp trích báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu liên quan tới chiến sự tại Ukraine đang kéo theo những thay đổi sâu sắc và lâu dài, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững và an toàn hơn. Châu Âu từ bỏ khí đốt của Nga với tốc độ mà trước đây một năm không mấy ai nghĩ là có thể xảy ra. Còn trên toàn thế giới, nhiều nước cũng đang đẩy nhanh cải tổ cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng sạch.

Từ bỏ năng lượng hóa thạch nay không chỉ để Trái đất không nóng thêm, mà còn là chủ quyền năng lượng quốc gia. Phải tăng được năng lượng sạch thì mới không bị trói chân trói tay khi dầu mỏ và khí đốt trở thành công cụ địa chính trị. Tờ Thời báo Thụy Sĩ viết: Đúng là trong vài năm tới, nhiều nước sẽ phải tăng sử dụng than đá để sản xuất điện năng, nhưng than đá chỉ là tạm thời, trong ngắn hạn mà thôi. Tỷ trọng năng lượng tái tạo rồi đây sẽ tăng mạnh, đủ thay thế dầu mỏ và khí đốt. Tại Liên minh châu Âu lúc này, nắng và gió đang cung cấp tới 32% tổng sản lượng điện.

Hội nghị Khí hậu Liên Hợp Quốc khai mạc hôm nay hướng tới mục tiêu chung tay cứu Trái đất. Tờ Người Scotland ra tại Anh kêu gọi, gạt bỏ chính trị sang một bên, vì lợi ích của hành tinh. Bài báo viết: Sự chia rẽ giữa các quốc gia sau khi Nga đưa quân sang Ukraine có thể cản trở đồng thuận về cách thức tiến hành để đạt được Thỏa thuận Paris, cộng thêm với quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới đang ngày càng trở nên căng thẳng. COP27 tiếp tục nỗ lực đoàn kết chung tay cứu Trái đất, trong lúc thế giới lại phân mảnh hơn bao giờ hết kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, với các toan tính địa chính trị quá khác biệt. Những yếu tố đó sẽ tác động tới kỳ đàm phán khí hậu lần này tại Ai cập.

Theo VTV


Lượt xem: 1

Trả lời