Hội nghị Thượng đỉnh vùng Vịnh: Không kỳ vọng vào sự đột phá

Cập nhật 10/12/2018, 06:12:55

Hội nghị Thượng đỉnh Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh ( GCC) lần thứ 39 hôm 9/12 diễn ra tại Saudi Arabia.

Với cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước thành viên của khối chưa được giải quyết, khiến dư luận không mấy chờ đợi Hội nghị lần này sẽ đạt được bước đột phá, đồng thời đặt ra câu hỏi lớn về vai trò của Hội đồng 6 thành viên này trong việc giải quyết các bất đồng trong chính nội bộ khối.

hoi nghi thuong dinh vung vinh khong ky vong vao su dot pha hinh 1
Hội nghị Thượng đỉnh GCC năm 2017 tại Kuwait. Ảnh: AFP.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh lệnh phong tỏa nhằm vào Qatar do một số quốc gia thành viên GCC như Saudi Arabia, Barain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất vẫn có hiệu lực.

Một dấu hiệu được cho là tích cực trước thềm hội nghị khi Quốc vương Qatar Sheikh Tamim Bin Hamad Al Thani đã nhận được lời mời chính thức từ Quốc vương Saudi Arabia Salman Bin Abdulaziz đến tham dự Hội nghị. Đây là bức thư chính thức đầu tiên từ Quốc vương Saudi Arabia tới Qatar kể từ khi lệnh phong tỏa nhằm vào Qatar vào tháng 6/ 2017.

Mặc dù vậy, nhiều người không kì vọng Hội nghị lần này có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng giữa các quốc gia Vùng Vịnh kéo dài hơn 1 năm qua.

Theo Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, Quốc vương Qatar sẽ không tham gia Hội nghị lần thứ 39 này, thay vào đó sẽ là một đoàn đại biểu cấp thấp hơn.

Vài ngày trước hội nghị, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề đối ngoại Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất Anwar Gargash vẫn cáo buộc Qatar hỗ trợ cho các hoạt động cực đoan và can thiệp vào các vấn đề ảnh hưởng đến khu vực.

Nhận định về việc không mấy kì vọng vào Hội nghị GCC lần này, Chủ tịch và nhà sáng lập Viện phân tích các quốc gia Vùng Vịnh Giorgio Cafiero nói: “Tôi không nghĩ Hội nghị lần này sẽ đưa ra bất cứ hướng giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng giữa các nước Vùng Vịnh. Vì để đạt được kết quả tại Hội nghị lần này sẽ phải dựa vào các yếu tố. Trước hết, đó là đại diện của các nước tham dự Hội nghị là người đứng đầu nhà nước hay cấp thấp hơn, đặc biệt liên quan đến đoàn đại biểu Qatar. Thứ 2 nội dung thảo luận của Hội nghị, vấn đề khủng hoảng ngoại giao giữa các nước thành viên có được đưa ra hay không. Với những diễn biến hiện nay thì tôi khó có thể lạc quan về sự tích cực có thể đạt được tại hội nghị”.

Với cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước GCC chưa có tiến triển trong hơn 1 năm qua đang đặt ra một câu hỏi lớn về vai trò của Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng trong chính nội bộ khối. Theo ông Luciano Zaccara – một chuyên gia phân tích chính trị của trường đại học Qatar, kể từ khi bất đồng ngoại giao giữa các thành viên nổ ra vào năm 2014, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh vẫn chưa thể hiện khả năng hiệu quả làm hòa giải hay có vai trò quan trọng trong việc làm giảm căng thẳng giữa các nước thành viên.

Và để tránh hình ảnh về một GCC tiếp tục chia rẽ và bất đồng, Hội nghị Thượng đỉnh lần này có thể tập trung chương trình nghị sự khác bao gồm: cuộc chiến ở Yemen, Syria, các hoạt động của Iran tại khu vực và các vấn đề liên quan dầu mỏ sau khi Qatar quyết định rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Theo Tổng thư kí Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Abdul Latif Al-Zayani, Hội nghị sẽ thảo luận các vấn đề quan trọng trong hành động chung của khối để hướng đến mục tiêu hợp tác và hội nhập hơn giữa các nước thành viên trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, kinh tế và pháp lí.

Hội nghị Thượng đỉnh 2018 cũng diễn ra khi Saudi Arabia đối mặt với sức ép quốc tế liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Dự kiến ban đầu Ôman sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này, nhưng Saudi Arabia đã viện dẫn các lý do để đăng cai tổ chức cuộc họp tại trụ sở GCC ở Riyadh. Theo giới quan sát Saudi Arabia muốn tận dụng Hội nghị lần này là diễn đàn để kêu gọi sự ủng hộ cũng như thể hiện nước này đang là nạn nhân của sức ép quốc tế trong vụ việc liên quan đến nhà báo Khashoggi./.

Theo VOV


Lượt xem: 15

Trả lời