Cuộc chiến tại Afghanistan và mâu thuẫn về mũi vaccine tăng cường – Chuyện nóng thế giới tuần qua

Cập nhật 20/8/2021, 14:08:29

Tuần này, thế giới đã phải chứng kiến cuộc chiến với COVID-19, trong đó nổi bật là mâu thuẫn về mũi vaccine tăng cường, và cuộc chiến diễn ra ở Afghanistan.

Nước Mỹ và cuộc chiến tại Afghanistan

Cảnh tượng tuyệt vọng ở sân bay Kabul, thủ đô Afghanistan là dấu chấm hết cho cuộc chiến bắt đầu từ 2 thập kỷ trước.

Cho rằng Afghanistan là nơi khởi nguồn của vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Mỹ đã đầu tư quân sự, tiền của và cả những nỗ lực ngoại giao nhưng vẫn không đánh lại được lực lượng muốn thành lập đất nước Hồi giáo Afghanistan. Qua 4 đời Tổng thống, hơn 2.400 binh lính Mỹ đã thiệt mạng, trên 1.000 tỷ USD đã được chi ra, nhưng hầu như Mỹ chẳng đạt được mục tiêu nào ở Afghanistan.

Ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, nói: “Chúng ta đã cống hiến 20 năm bằng máu, của cải, mồ hôi và nước mắt của người Mỹ ở Afghanistan. Chúng ta đã trao cho họ mọi năng lực thông qua huấn luyện và trang thiết bị để đứng lên chiến đấu vì chính họ“.

Cuộc chiến tại Afghanistan và mâu thuẫn về mũi vaccine tăng cường - Chuyện nóng thế giới tuần qua - Ảnh 1.

Cuộc chiến trong 2 thập kỷ qua ở Afghanistan liệu đã thực sự kết thúc? (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu: “Khả năng Taliban giành chính quyền do 300.000 binh lính mà chúng ta đã huấn luyện, trang bị vũ khí sụp đổ, bỏ cuộc. Tôi không nghĩ là có ai có thể dự báo được chuyện đó“.

Sai lầm có, nhưng sự thay đổi ưu tiên của nước Mỹ đã cũng góp phần vào cái kết ở Afghanistan. Khả năng và mong muốn đầu tư nguồn lực vào các cuộc xung đột xa xôi của Mỹ đã giảm dần. Do đó, dù bất ngờ với kết cục đến quá chóng vánh, Tổng thống Mỹ Biden vẫn kiên quyết tiếp tục rút quân nhanh chóng khỏi Afghanistan và đại đa số người Mỹ đồng ý với ông.

Tương lai nào cho Afghanistan?

Hiện vẫn chưa rõ chính quyền mới ở Afghanistan sẽ xây dựng một đất nước như thế nào. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trong giai đoạn từ năm 1996 – 2001, thời kỳ Taliban kiểm soát hơn 2/3 đất nước Afghanistan và áp dụng cách hiểu nghiêm ngặt về Luật Hồi giáo Sharia, đang khiến tương lai của đất nước này là một dấu hỏi. Trong khi đó, Đài Truyền hình Pháp France24 phân tích rằng, tới đây, ở Afghanistan sẽ là “thời Taliban 2.0”, tức là sẽ có thay đổi so với thời kỳ cầm quyền trước.

Người phát ngôn Taliban đã cam kết, phụ nữ Afghanistan sẽ không bị phân biệt đối xử và có cơ hội học tập, làm việc dưới chế độ mới. Đại diện Taliban đã trả lời phỏng vấn của một nữ biên tập viên trên sóng truyền hình, có thể đây là tín hiệu tích cực trong cách quản lý của lực lượng này thời gian tới.

Phiên dịch của Phát ngôn viên Taliban nói: “Phụ nữ sẽ được đảm bảo mọi quyền lợi của mình, dù là trong công việc hay các hoạt động khác, bởi phụ nữ là một phần quan trọng trong xã hội. Chúng tôi bảo đảm tất cả các quyền của họ trọng khuôn khổ của đạo Hồi“.

Về mặt ngoại giao, hiện Taliban đã thể hiện sự cải thiện khi dần tìm kiếm sự công nhận với các quốc gia như Nga, Trung Quốc. Mặc dù vậy, còn nhiều quốc gia vẫn cứng rắn, không chấp nhận lực lượng này, hoặc chờ đợi vào sự thay đổi nhiều hơn. Thụy Điển cho biết sẽ chuyển hướng viện trợ khỏi Afghanistan, trong khi Canada tuyên bố không chấp nhận sự nắm quyền của lực lượng này tại Afghanistan.

Cuộc chiến tại Afghanistan và mâu thuẫn về mũi vaccine tăng cường - Chuyện nóng thế giới tuần qua - Ảnh 2.

Tương lai của Afghanistan hiện vẫn bất định. (Ảnh: AP)

Nếu như Afghanistan có được hòa bình, nền kinh tế của nước này sẽ phát triển nhanh chóng, cuộc sống của người dân sẽ được cải thiện đáng kể vì đây là nơi có trữ lượng khoáng sản, đất hiếm trị giá tới 1.000 tỷ USD.

Cố vấn Said Mirzad thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết: “Nếu Afghanistan có thể hòa bình ổn định trong vòng vài năm để Chính phủ khai thác tài nguyên, quốc gia này có thể trở thành nước giàu nhất trong khu vực trong chưa đầy 10 năm tiếp theo“.

Tuy nhiên, trước mắt, nhiều cư dân Afghanistan vẫn lo ngại nguy cơ bạo lực. Theo ước tính của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, có khoảng 20.000 – 30.000 người Afghanistan đang rời khỏi đất nước này mỗi tuần. Hiện đa số người tị nạn Afghanistan chỉ có thể cập bến 2 quốc gia gần đó là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ chưa cho biết sẽ nhận bao nhiêu người tị nạn Afghanistan. Còn phía Anh và Canada cho hay sẽ tiếp nhận khoảng 20.000 người.

Có thể nói, tương lai của Afghanistan lúc này vẫn đang bất định khi chưa có một chính phủ được cộng đồng quốc tế công nhận và thể hiện được những đường lối quản lý rõ ràng, trong khi quân đội nước ngoài vẫn đang hiện diện.

Thế giới tiếp tục mâu thuẫn về mũi vaccine tăng cường

Người dân Afghanistan đắm chìm trong khổ nạn xung đột và dường như quên mất đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, nhưng thế giới thì chưa bao giờ quên, dù chỉ một giây. Làn sóng biến thể Delta đang làm biết bao đất nước điêu đứng vì thiếu vaccine. Do đó, vấn đề mũi tiêm tăng cường lại nổi lên trong tuần này. Mỹ, Israel và nhiều nước phát triển sẽ hoặc thậm chí đã bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine thứ 3 cho người dân, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới một lần nữa phản đối, yêu cầu để dành vaccine cho những nước chưa tiêm đủ.

Ngày 18/8, Mỹ đã công bố kế hoạch cho phép tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 (mũi tiêm tăng cường) cho toàn dân bắt đầu từ ngày 20/9 tới. Theo đó, những người từ 18 tuổi trở lên và đã tiêm đủ 2 mũi vaccine trong ít nhất 8 tháng sẽ được tiêm mũi thứ 3. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh biến thể Delta chiếm 98,8% số ca mắc COVID-19 ở Mỹ và các bệnh viện đang trở nên quá tải, có nơi còn phải chữa trị bệnh nhân ở bãi đậu xe.

Lấy lý do hiệu quả của vaccine sẽ giảm dần theo thời gian, một số nước khác trên thế giới đã tiến hành tiêm mũi vaccine thứ 3 cho người dân như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel. Các nước châu Âu như Anh, Bỉ, Đức, Pháp cũng cho biết sẽ triển khai mũi tiêm vaccine thứ 3 cho người cao tuổi và người dễ bị tổn thương vào tháng 9 tới.

Cuộc chiến tại Afghanistan và mâu thuẫn về mũi vaccine tăng cường - Chuyện nóng thế giới tuần qua - Ảnh 3.

Mâu thuẫn về việc tiêm mũi vaccine tăng cường hiện vẫn là một trong những tâm điểm của cuộc chiến chống COVID-19. (Ảnh: AP)

Tiếp tục giữ quan điểm trái ngược với các nước giàu, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus một lần nữa chỉ ra rằng: “Chỉ có 10 nước quản lý tới 75% tất cả nguồn cung cấp vaccine và các quốc gia có thu nhập thấp chỉ tiêm vaccine được cho gần 2% người dân của họ“.

Chuyên gia WHO so sánh, việc tiêm mũi vaccine thứ 3 giống như đưa thêm áo phao cho những người đã mặc áo phao, trong khi những người chưa có chiếc áo phao nào để mặc bị chết đuối.

Cũng theo WHO, cho đến nay, chưa có dữ liệu nào cho thấy, các mũi tiêm vaccine tăng cường ngừa COVID-19 là cần thiết. Nguyên nhân là do nhằm đẩy lui dịch bệnh, việc tiêm đủ 2 mũi cần được áp dụng với tất cả những nước dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới trước khi triển khai mũi thứ 3 tăng cường. Có như vậy tất cả mọi người mới được bảo vệ và đại dịch chỉ chấm dứt khi tất cả đều được an toàn.

Theo VTV


Lượt xem: 19

Trả lời