Cuộc chiến khí đốt tại châu Âu: Không ai có lợi

Cập nhật 28/6/2022, 13:06:58

Cuộc chiến khí đốt giữa Nga và phương Tây kéo dài sang tháng thứ 5, chưa có dấu hiệu sớm hạ nhiệt và khiến cả hai bên chịu thiệt hại.

Cuộc chiến khí đốt tại châu Âu: Không ai có lợi 

Trong thời kỳ cao trào của Chiến tranh Lạnh, Liên Xô cũng chưa bao giờ dừng cung cấp khí đốt sang châu Âu, nhưng các diễn biến leo thang căng thẳng gần đây khiến các nước châu Âu lo ngại Nga sẽ cắt nguồn cung nếu châu Âu gia tăng các biện pháp trừng phạt Moscow. Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu cứng rắn hơn với Liên minh châu Âu (EU) – dừng việc cung cấp khí đốt cho một số khách hàng lớn để đáp trả hàng loạt đòn trừng phạt giáng xuống Moskva sau chiến dịch quân sự đặc biệt nước này tiến hành tại Ukraine.

Châu Âu phụ thuộc lớn với khí đốt từ Nga. Trước khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, Nga cung cấp 40% nhu cầu khí đốt cho EU. Đức cũng phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga với tỷ lệ 55%. Một khi Nga cắt giảm nguồn cung thì tạo ra khoảng trống lớn cho châu Âu nói chung và Đức nói riêng. Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck nói rằng việc giảm cung cấp khí đốt chẳng khác gì một cuộc tấn công kinh tế, nhằm vào châu Âu.

Cuộc chiến khí đốt tại châu Âu: Không ai có lợi - Ảnh 1.

Châu Âu đang nỗ lực tìm nguồn cung thay thế để giảm phụ thuộc khí đốt từ Nga – Đồ họa: VTV Digital

Khí đốt Nga hiện vẫn đang được bơm tới châu Âu thông qua đường ống đi qua Ukraine, nhưng với lượng ít đi so với trước. Đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 chạy qua biển Baltic, nguồn cung khí quan trọng đối với Đức, hiện chỉ hoạt động với 40% công suất. Nga nói rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang cản trở việc sửa chữa đường ống, trong khi châu Âu nói đây chỉ là một cái cớ để cắt giảm lượng khí đốt.

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng cao kỷ lục trong năm nay, khiến áp lực lạm phát càng lớn và làm gia tăng thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách đang ra sức bảo vệ nền kinh tế bên bờ suy thoái. Hôm thứ Ba tuần trước, BDI – một tổ chức hiệp hội công nghiệp Đức – cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Đức năm 2022 về 1,5% từ mức 3,5% đưa ra hồi trước chiến tranh Nga-Ukraine. BDI nói rằng nếu nếu bị Nga cắt khí đốt, Đức tất yếu suy thoái.

Cuộc chiến khí đốt tại châu Âu: Không ai có lợi - Ảnh 2.

Cơ sở lưu trữ khí đốt Wingas gần thị trấn Rehden của Đức – Ảnh: Reuters

Không ai được lợi

Dù mối đe dọa thiếu nguồn cung xảy ra sau khi nhu cầu đã qua mức đỉnh điểm vào mùa đông, châu Âu vẫn sẽ chịu thiệt hại lớn khi các doanh nghiệp và hộ gia đình đang phải gồng mình gánh chịu giá năng lượng cao kỷ lục.

Các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng và cắt giảm sử dụng khí đốt, trong khi chính phủ nỗ lực tăng mức lưu trữ nhằm trước mắt là vượt qua mùa Đông với nguy cơ bị Nga cắt khí đốt. Một phương án cuối cùng đang được cân nhắc là phân bổ khí đốt. Việc Nga ngừng cung cấp khí đốt gần như chắc chắn sẽ đẩy châu Âu vào một cuộc suy thoái. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo rằng tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ giảm 1,7% trong năm tới nếu Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung.

“Sự đứt gãy nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu vẫn là một rủi ro lớn với nhiều hệ lụy. Châu Âu có một số lựa chọn nguồn cung thay thế và với nhu cầu thấp vào những tháng mùa hè, họ không chịu rủi ro cạn kiệt nguồn cung trong năm nay”, ông Norbert Rücker tại ngân hàng tư nhân Julius Baer cho biết. Tuy nhiên, rủi ro sẽ gia tăng trong những tháng mùa đông, khi nhu cầu tăng cao.

Cuộc chiến khí đốt tại châu Âu: Không ai có lợi - Ảnh 3.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 11 tỷ USD giữa Nga và Đức đã bị đình trệ ngay sau các diễn biến leo thang tại Ukraine – Ảnh : Reuters

Trong khi đó đối với Nga, việc dừng bán khí đốt sẽ khiến Moscow mất nguồn doanh thu chính. Nếu ngắt nguồn cung khí đốt sang châu Âu, Nga cũng đối mặt với nguy cơ mất nguồn doanh thu quan trọng. Theo các nhà phân tích, trong ngắn hạn, nếu lượng khí đốt Nga dự định cung cấp cho châu Âu được chuyển đến kho lưu trữ của Nga hiện tại, các cơ sở này sẽ đầy trong 3-4 tháng và một số hoạt động sản xuất khí đốt sau đó có thể phải tạm ngừng, gây tổn hại đến tăng trưởng dài hạn. “Đối với Nga quyết định hạn chế nguồn cung cũng giống như tự đá vào chân mình”, các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu SEB cho biết.

ECB cũng có những lời cảnh báo dành cho Nga. Ngân hàng châu Âu nhấn mạnh, đối với Nga, kịch bản có thể là một cuộc suy thoái nghiêm trọng với sản lượng sụt giảm tương tự những gì đã diễn ra khi Liên Xô tan rã.

Châu Âu ứng phó khẩn cấp bằng than đá

Một số quốc gia châu Âu đang có kế hoạch khôi phục hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than trong bối cảnh nguồn cung năng lượng bị bóp nghẹt. Ngày 19/6, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck thông báo nước này sẽ khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than để tránh thiếu hụt nguồn cung năng lượng. “Điều này thật cay đắng nhưng trong tình huống này, điều cần thiết là phải giảm việc sử dụng khí đốt”, ông Habeck cho biết. Không chỉ quay lại với nhiệt điện than, Đức cũng triển khai các biện pháp khác như khuyến khích ngành công nghiệp giảm tiêu thụ khí đốt, hỗ trợ tài chính để đẩy nhanh bơm đầy kho dự trữ khí đốt.

Cuộc chiến khí đốt tại châu Âu: Không ai có lợi - Ảnh 4.

Khói bốc lên từ một nhà máy nhiệt điện than ở Đức – Ảnh: Getty

Ngày 20/6, Reuters đăng tin cho biết Hà Lan dự kiến nối gót Đức nới lỏng các hạn chế đối với các nhà máy nhiệt điện than trong bối cảnh nước này đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga. Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan Rob Jetten nhấn mạnh: “Nếu không phải trong trường hợp đặc biệt, chúng tôi sẽ không bao giờ làm điều này”. Hà Lan hiện đang đặt hạn chế công suất của các nhà máy nhiệt điện than ở mức 35% nhằm giảm phát thải khí carbon.

Trong khi đó, Áo có kế hoạch sửa chữa và tái vận hành một nhà máy điện dùng than từng bị đóng cửa trước đây và Ba Lan dự kiến có các biện pháp trợ cấp than phục vụ nhu cầu sinh hoạt hộ gia đình.

Cuộc chiến khí đốt tại châu Âu: Không ai có lợi - Ảnh 5.

Quang cảnh bên ngoài nhà máy điện than Niederaussem, phía tây Cologne, Đức – Ảnh: Reuters

Việc vội vàng trở lại dùng nguồn năng lượng than là một điều hết sức khó xử đối với những người châu Âu có ý thức về biến đối khí hậu. Song không nhiều người cho rằng điều này có thể khiến EU hoặc các quốc gia thành viên của EU chệch hướng trong nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tại Đức, các quan chức kiên quyết rằng việc trở lại dùng nguồn năng lượng từ than sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không gây nguy hiểm cho mục tiêu ngừng hoàn toàn điện than vào năm 2030. Than sẽ đóng vai trò là nguồn cung dự trữ cho ngành điện, cho phép nước này xây dựng kho khí đốt trước mùa Đông. Cùng với đó, chính phủ đang có kế hoạch đẩy nhanh nguồn điện sạch.

Simon Müller, Giám đốc tổ chức nghiên cứu Agora Energiewende, cho rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga càng góp phần củng cố sự ủng hộ chính trị đối với nguồn năng lượng tái tạo tại Đức. Ông nói: “Những cấp bách khi đối mặt với tình hình hiện nay sẽ tạo động lực chính trị mà chúng ta cần để có được những bước tăng tốc rất quan trọng trong quá trình xây dựng năng lượng tái tạo”. Quốc hội Đức đang xem xét 10 biện pháp tiết kiệm năng lượng và thống nhất về tầm quan trọng của việc dỡ bỏ các rào cản đối với phát triển năng lượng xanh.

Theo VTV


Lượt xem: 1

Trả lời