Văn hóa Gia Lai lan tỏa trong dòng chảy Đương đại

Cập nhật 20/1/2023, 06:01:37

Năm 2022 là năm đầu tiên cả nước triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 bằng những hành động thiết thực, cụ thể. Qua đó, đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống kinh tế-xã hội.
Tại tỉnh Gia Lai, trong năm 2022 đã diễn ra nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa, với những dấu ấn, thành công tốt đẹp. Quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tỉnh Gia Lai đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, gìn giữ và phát triển, nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống.

Với quyết tâm hành động, khát vọng cống hiến, vì sự phát triển của địa phương, đất nước… Năm 2022, khi những “nốt trầm” do dịch bệnh Covid-19 đã dần qua đi nhờ những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước. Cùng với cả nước, tỉnh Gia Lai bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển về kinh tế-xã hội. Trong đó, ngành VH-TT&DL đã nỗ lực đạt nhiều kết quả ấn tượng.

Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, tỉnh Gia Lai đã triển khai chương trình hành động, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đưa văn hóa trở thành sức mạnh mềm, thấm sâu, lan tỏa vào mọi tầng lớp nhân dân. Năm 2022 ghi đậm dấu ấn trên nhiều lĩnh vực, nhiều sự kiện lớn đã được tỉnh tổ chức long trọng. Tiêu biểu như: Tuần lễ các sự kiện chào mừng “Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai” (24/5/1932 – 24/5/2022).

Về dự, chung vui với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai trong dịp đặc biệt này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương những thành quả to lớn mà tỉnh đã đạt được trong 90 năm qua. Thủ tướng nhấn mạnh: Cả 3 yếu tố của nội lực (con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa) thì Gia Lai đều có thế mạnh, tỉnh có khả năng phát triển nhanh và bền vững. Gia Lai và các bộ, ngành phải trăn trở, suy nghĩ để phát huy tối đa các yếu tố này, biến truyền thống thành nguồn lực, di sản thành tài sản…

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính phát biểu: “Phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng anh hùng, tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc. Tập trung giữ gìn, phát triển và khai thác các giá trị văn hóa bản sắc độc đáo, như: lễ Pơthi, mừng lúa mới, mừng nhà rông… và các loại cồng chiêng, đàn đá, đàn goong, T’rưng…; bảo vệ và phát huy giá trị khảo cổ về thời đại Sơ kỳ Đá cũ cách đây 80 vạn năm tại địa phương. Tỉnh cần đặc biệt lưu ý thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021”…

 Cũng trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh, Gia Lai vinh dự đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, Bằng xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá ở thị xã An Khê, Bằng Công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng… Cuối năm 2022, một tin vui đến với tỉnh, khi di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá ở thị xã An Khê được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt…

Xác định: Văn hóa là mục tiêu, động lực phát triển, do đó, song hành với nhiệm vụ phát triển kinh tế, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, gìn giữ, phát triển, nâng tầm các giá trị, nền tảng văn hóa truyền thống…

2022 là năm đầu tiên sự kiện Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai được tổ chức, với sự tham gia của hơn 800 nghệ nhân trong tỉnh. Tất cả đã tạo nên một không gian lễ hội độc đáo. Một số nghi lễ, phong tục truyền thống của dân tộc Jrai; Bahnar như: Lễ bỏ mả, Lễ mừng chiến thắng, Lễ đâm trâu, Lễ mừng lúa mới… đã được phục dựng một cách nguyên bản. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Gia Lai tổ chức Ngày hội văn hóa theo hình thức mới, đưa sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trở về gần hơn với môi trường tự nhiên vốn có, giúp người dân nuôi dưỡng niềm đam mê, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống vì một Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc…

Nghệ nhân Nay H’Lan – Xã Ia R’Bol, thị xã Ayun Pa nói: “ Cùng với phần lễ tái hiện đúng truyền thống thì phần hội cả nam và nữ đều đánh chiêng, múa xoang. Qua đây, chúng tôi muốn giới thiệu đến du khách nét văn hóa đẹp của người Jrai”.

Chị Ngân Thị Thanh – Xã Kon Thụp, Mang Yang nói: “Đến đây thì đoàn tham gia biểu diễn 2 tiết mục là hát và múa Trầu, nét văn hóa đặc sắc của người Tày. Qua Ngày hội thì cũng mong muốn là tạo thêm tình đoàn kết, gắt bó giữa các dân tộc trên quê hương thứ 2 của mình, để ngày càng phát triển hơn”.

Ông Trần Ngọc Nhung – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH, TT&DL Gia Lai cho biết: “Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai là một vùng văn hóa đặc sắc. Chúng ta hãy cùng nhau giữ lấy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Bởi, còn văn hóa là còn tất cả; mất văn hóa sẽ mất hết. Trên tinh thần đó, các địa phương tiếp tục quan tâm đến các hoạt động văn hóa dân gian, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số”.

Việc gìn giữ, tôn vinh các loại hình văn hóa, nghi lễ tín ngưỡng truyền thống, đặc biệt là phát huy vai trò của chủ thể, những người đang nắm giữ tinh hoa văn hóa dân tộc là việc làm hết sức quan trọng. Theo đó, nhiều lễ hội, tín ngưỡng truyền thống của cư dân nông nghiệp như: Lễ Bơ Jrao; Lễ cầu mưa; Lễ Mừng lúa mới… của người Bahnar, Jrai đã được ngành văn hóa tỉnh Gia Lai phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành tổ chức phục dựng, tạo sự hứng khởi và tiếp thêm động lực cho đồng bào DTTTS trong công tác bảo tồn, tiến tới phát triển thành sản phẩm du lịch cộng đồng…

Gia Lai hôm nay đã mang một diện mạo mới trong xu thế phát triển chung của đất nước. Nhưng sự biến đổi, phát triển đó vẫn luôn được xây dựng và sáng tạo trên trên giá trị văn hoá truyền thống. Với đồng bào các dân tộc-những chủ nhân của các di sản đã thực sự trở thành những sứ giả văn hóa, kết nối, gọi mời bạn bè bốn phương đến khám phá mảnh đất đầy nắng và gió nơi đại ngàn/.

 Song Nguyễn, Kim Ngân, Ksor Tuối


Lượt xem: 123

Trả lời