Thị xã An Khê phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Cập nhật 26/4/2018, 16:04:44

Rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại thị xã An Khê giờ đã thoát nghèo sau khi được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ phía Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều này cho thấy chủ trương đúng đắn mà Nhà nước triển khai thông qua việc “trao cần câu” để người dân chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Năm 2008, bà Đinh Thị Lớt là một trong những người đầu tiên ở làng Bốt, xã Song An vay 5 triệu đồng (không tính lãi) từ Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã An Khê để mua 1 con bò rồi trồng keo, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ tu chí làm ăn, đến nay bà Lớt không chỉ trả hết nợ cho ngân hàng mà còn nhân được đàn bò lên 8 con. Cuối năm 2017 vừa rồi, bà cũng đã bán một phần diện tích keo được hơn 30 triệu đồng.

Bà Lớt nói: “ Bây giờ thấy ổn định rồi, trong gia đình đã thu lại keo, sửa chữa nhà, rồi làm được 1 cái nhà sàn… Mình thấy nguồn vốn cho vay rất hiệu quả”.

Chị Đinh Thị Trang – Tổ trưởng Tổ vay vốn NHCSXH làng Bốt, xã Song An, thị xã An Khê cho biết: “Thường xuyên đi kiểm tra, vận động các hộ vay vốn làm ăn thì thấy giờ cuộc sống của họ đã ổn định hơn trước rất nhiều”.

Cho đến thời điểm này, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã An Khê đã tiến hành cho 161 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay gần 3,6 tỷ đồng từ các nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế. Sau khi cho vay, ngân hàng thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở kiểm tra, giám sát, đồng thời hướng dẫn người dân cách sử dụng nguồn vốn đúng mục đích để phát huy hiệu quả cao nhất.

Bà Trần Thị Thủy Tiên – PGĐ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã An Khê cho biết: “Ngân hàng cũng tranh thủ hết sức sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo cấp trên, của chính quyền địa phương để tạo điều kiện hơn nữa cho các hộ đồng bào DTTS có nhu cầu vay vốn, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước. Nói chung là có cần câu hiệu quả để phát triển kinh tế chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất các mặt hàng… từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Sự chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân được xem là chìa khóa để mỗi nguồn vốn triển khai thực sự lan tỏa. Tin tưởng rằng, với sự chung sức, đồng lòng từ phía ngân hàng và người dân, thời gian tới, sẽ có thêm nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở An Khê ổn định cuộc sống./.

Đoàn Bình, Minh Trí


Lượt xem: 70

Trả lời