Thay đổi nếp nghĩ cách làm – Từ hoạt động thực tiễn đến thực chất

Cập nhật 18/5/2022, 10:05:35

Gia Lai là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, chiếm 44,7%, chủ yếu là dân tộc Bahnar và Jrai. Do phong tục, tập quán còn lạc hậu, nhận thức còn nhiều hạn chế nên đời sống của người dân còn khó khăn. Trước thực trạng đó, năm 2011, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch 449/KH-MT về việc triển khai cuộc vận động (CVĐ) “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Đến nay, CVĐ đã tác động mạnh mẽ đến đời sống của Nhân dân. Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều mô hình được hình thành và nhân rộng, đã tạo được sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng dân cư, nhất là hộ đồng bào DTTS các thôn, làng trên địa bàn tỉnh.

Gắn triển khai thực hiện CVĐ với xây dựng làng nông thôn mới theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hàng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ động tuyên truyền, vận động Nhân dân chỉnh trang khuôn viên nhà ở, cải tạo vườn tạp, làm nhà tiêu hợp vệ sinh, di dời chuồng nuôi nhốt vật nuôi ra xa khu nhà ở… Từ năm 2018 đến nay, Mặt trận các cấp đã tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp được hơn 94 tỷ đồng; hiến gần 87.000 m2 đất ở, đất vườn và hàng ngàn ngày công để tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, làm nhà rông văn hóa, các công trình phụ trợ..

Gìa làng Ksor Brí –  Buôn Krai, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, Gia Lai chia sẻ: “Ngày nào cũng như ngày nào, không có nghỉ chân, phối hợp với các đoàn thể trong thôn chúng tôi đi tuyên truyền . Qua quá trình như thế, đến nay thì đã hình thành được một làng nông thôn mới đạt tiêu chí, bà con họ đã nhận thức rồi họ sẽ làm . Sau này cái công tác tuyên truyền là cũng phải tiếp tục, làm thường xuyên để giữ vững và nâng cao cái tiêu chí lên”.

Đặc biệt, để cụ thể hóa các nội dung của CVĐ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã phát hành Sổ tay tuyên truyền thực hiện CVĐ và cấp phát gần 12.000 cuốn đến cán bộ, đảng viên và cán bộ làm công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nội dung CVĐ đã được cụ thể hóa với 10 điều thay đổi nếp nghĩ, 10 điều thay đổi cách làm được dịch sang tiếng Bahnar và Jrai. Đây là công cụ hỗ trợ tích cực, hướng công tác tuyên truyền vào những việc làm sát thực, dễ hiểu. Nhờ đó, những chủ trương, đường lối, chính sách đã trở nên gần gũi, đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trong suy nghĩ, hình thành ý chí thoát nghèo của người dân.

Chị Ksor H’Bông – Buôn Bluk, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Xã cho vay vốn để làm ăn, mình phải cố gắng, nỗ lực để thoát nghèo. Giờ trả hết nợ rồi, sẽ tiếp tục làm để xây nhà, có điều kiện nuôi con cái ăn học đàng hoàng”.

Với phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”, từ năm 2011 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã xây dựng và duy trì được hơn 400 mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cả lĩnh vực kinh tế và đời sống văn hóa – xã hội, với sự tham gia của gần 18.300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Qua đó, CVĐ đã tác động mạnh mẽ đến ý thức, suy nghĩ, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số; một bộ phận người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Ông Siu Trung – Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết: “Cuộc vận động không chỉ làm thay đổi được tư duy, nếp nghĩ, cách làm để bà con vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới mà đặc biệt cuộc vận động có một ý nghĩa nhân văn rất lớn, đó là góp phần làm cho cuộc sống của bà con ở khu dân cư đoàn kết hơn, gắn bó hơn và từng bước phát triển kinh tế xã hội ở khu dân cư”.

Thực hiện cuộc vận động, các ngành, địa phương đã giúp hơn 29.500 hộ DTTS tiến bộ, vươn lên thoát nghèo. Họ chính là minh chứng thiết thực nhất cho nếp nghĩ, cách làm mới, là vốn kinh nghiệm thực tế để bà con buôn làng học tập và làm theo. Có thể thấy, CVĐ “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” góp phần thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn./.

Trương Trang, Minh Trung


Lượt xem: 29

Trả lời