Tăng cường các giải pháp giảm thiểu tình trạng tín dụng đen trong hội viên phụ nữ.

Cập nhật 22/6/2018, 14:06:26

Những năm gần đây, tình trạng người dân vướng vào quỹ tín dụng đen ngày một gia tăng và dẫn đến những hệ lụy khó lường. Trước thực tế đó, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm hay nhằm giảm thiểu tình trạng trên. Tại các cơ sở hội đã xây dựng được những mô hình, tổ nhóm tiết kiệm để chị em hỗ trợ nhau về vốn nhằm hạn chế tình trạng tín dụng đen trong hội viên phụ nữ.

Một trong những hoạt động hỗ trợ vốn đang được phụ nữ  phường Hội Thương, thành phố Pleiku thực hiện là xây dựng tổ tiết kiệm vốn xoay vòng. Tổ được triển khai với hình thức góp vốn cho nhau mượn không tính lãi, tổ có trên 10 chị tham gia, mỗi người đóng góp khoảng 500 ngàn đến 1 triệu đồng/tháng. Số tiền góp được hàng tháng sẽ luân chuyển cho từng người nhưng đa số dành cho những chị khó khăn lấy trước. Các chị dùng tiền để mua thêm phân bón, giống sản xuất vào đầu vụ hoặc thêm vào trang trải chi phí cho gia đình.

Chị  Nguyễn Thị Kim Thanh, phường Hội Thương, thành phố Pleiku cho biết: “Tổ trưởng ra quy định mỗi người 500 hoặc 1 triệu gì đó, ai khó khăn cho vay trước để cho người ta phát triển, người khá thì lấy sau. Chị em giúp nhau trong phát triển kinh tế, ngày càng phát triển ngày càng bền vững. Nguồn vốn không lấy lãi, người nào chưa có vốn mình cho người ta lấy trước.”

Không chỉ thực hiện tổ tiết kiệm tổ vốn xoay vòng mà tùy vào điều kiện ở địa phương, nhiều cấp hội  phụ nữ đã xây dựng được những mô hình để kịp thời giúp đỡ khi hội viên cần vốn. Tại Đak Pơ, huyện hội đã tích cực vận động hội viên tham gia các mô hình tiết kiệm như: Nuôi heo đất, tiết kiệm 5 ngàn đồng/tháng, phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5 – 10  triệu đồng,… Từ nguồn quỹ tiết kiệm, hội đã tạo điều kiện để hội viên vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp. Qua đó góp phần hạn chế tình trạng vay nặng lãi, vay nóng trong hội viên nói chung và hội viên dân tộc thiểu số nói riêng.

Chị Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đak Pơ cho biết: Mục đích là nâng cao đời sống hội viên trên địa bàn toàn huyện. “Với mục đích như vậy thì để thực hiện kế hoạch,  Hội Liên hiệp phụ nữ huyện cũng trực tiếp triển khai các mô hình, hoạt động mang chiều sâu thực sự mang lại hiệu quả. Các mô hình như phụ nữ tiết kiệm làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5 – 10  triệu đồng”, chị Thúy nói.

Từ mỗi cơ sở hội, các hội viên phụ nữ đã chủ động tham gia các mô hình để có nguồn vốn giúp nhau phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, tỉnh hội cũng xây dựng được Qũy hỗ trợ phụ nữ nhằm hỗ trợ hội viên có nhu cầu vay vốn lớn để sản xuất, chăn nuôi, mở rộng diện tích. Hiện nay, tổng dư nợ của nguồn qũy này là hơn 19 tỷ đồng với gần 3 ngàn hội viên vay vốn.

Bà Phạm Thị Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai cho biết: “Hội dùng quỹ  tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ giúp đỡ gia đình hội viên phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững.”

Từ các mô hình, phong trào của các cấp hội phụ nữ đã mang lại hiệu quả hết sức thiết thực, hội viên đã được giúp đỡ kịp thời về nguồn vốn, từ đó hạn chế tình trạng chị em khó khăn tiếp cận quỹ tín dụng đen. Chính những điều đó, đời sống của chị em ngày càng được nâng lên góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Thúy Diện- Minh Trung – Ksor Tuối


Lượt xem: 62

Trả lời