Sôi nổi các hoạt động đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm

Cập nhật 12/11/2018, 14:11:41

Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Dã quỳ – Núi lửa Chư Đang Ya, Hội thi tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm là một trong những hoạt động gây được nhiều ấn tượng nhất đối với du khách.

Tại khu dệt thổ cẩm, tạc tượng, đan lát luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng và tìm hiểu nét đẹp văn hoá của đồng bào Jrai, Bahnar. Trên 100 nghệ nhân tiêu biểu ở các xã, thị trấn tập trung thể hiện tài năng của mình để mang đến những tác phẩn độc đáo, thể hiện được bản sắc văn hoá của dân tộc mình.

Ông Ra Lan Ven-Phó Trưởng phòng Văn Hoá-Thông tin huyện Chư Pah cho biết: “Tạc tượng rồi dệt thổ cẩm, giã gạo rồi một số hoạt động khác đây là những cái du khách đặc biệt quan tâm vì nó mang một nét đặc trưng, đặc thù của người Jrai. Cách làm hội thi cồng chiêng và tạc tượng 2 năm một lần để duy trì và phát huy nghệ thuật này, thứ 2 nữa là duy trì các nghệ nhân”.

Cùng với khu trưng bày tượng gỗ được đặt gần lối ra vào với khoảng 30 bức tượng mô phỏng cuộc sống sinh hoạt của bà con như: Người phụ nữ đang địu con; Người đàn ông đang đánh trống… là hình ảnh các nghệ nhân đang tạc tượng. Bằng sức khỏe dẻo dai, đôi tay tài hoa, khéo léo cùng kinh nghiệm lâu năm của các nghệ nhân đã biến những khúc gỗ thô mộc thành hình người, con thú, chim muông sinh động khiến bao du khách trầm trồ thích thú. Bên cạnh đó có khoảng 15 nghệ nhân khác cũng đang  đan từng chiếc gùi, chiếc nia nhỏ xinh.

Nghệ nhân Đinh Bliuh, xã Ia Khươl, huyện Chư Pah nói: “ “Theo phong tục hồi xưa của dân tộc Bahnar mình lễ hội phải có tượng gỗ, nhà mồ cũng có tượng, nhà rông cũng có tượng, dân tộc mình quý lắm không có bỏ được. Tạc tượng có nhiều thứ như mẹ bế con, cõng con, đan gùi, giã  gạo”.

Thu hút nhất vẫn là các bà, các chị trong bộ đồ truyền thống, ngồi bên khung dệt, tỉ mẩn công đoạn dệt những hoa văn cho từng sản phẩm thổ cẩm. Nhiều du khách nán lại cùng chụp hình, trò chuyện, hỏi han nghệ nhân làm nghề.

Nghệ nhân Ksor Hua, làng MRông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Pah cho biết: “Mình biết dệt từ nhỏ mẹ mình dạy mà, phong tục dân tộc mẹ mình dạy cho mình nhiều quần áo nên mình dệt được hết. Nếu dệt liên tục 1 tuần dệt được 1 cái áo, gần 2 tuần nếu làm hoa văn, tuỳ theo làm thôi. Nếu làm hoa văn đơn giản thì nhanh, còn hoa văn khó thì lâu hơn”.

Bằng sự tài hoa của mình, các nghệ nhân đã tạo nên nhiều sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Kết thúc Hội thi Ban Tổ chức đã trao 23 giải Nhất, Nhì Ba và trên 50 giải Khuyến khích cho các nghệ nhân.

*Dịp này, Ban Tổ chức Lễ hội Hoa dã quỳ núi lửa Chư Đăng Ya đã phối hợp với Câu lạc bộ chim chào mào tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thi Tiếng hót chim chào mào.

     Tham gia hội thi có hơn 300 lồng chim do các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh mang đến đồng loạt trình diễn trong thời gian 4 giờ. Các chú chim chào mào được tuyển chọn kỹ lưỡng mang tính nghệ thuật, nhanh nhạy, dạn dĩ. Kết thúc hội thi Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho chú chim mang số báo danh 095 của nghệ nhân Nguyễn Quang Quý đến từ thành phố Kon Tum. Thông qua hội thi đã tạo sân chơi để những nghệ nhân đam mê chim chào mào trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, nuôi chim và góp phần tạo điểm nhấn để chương trình lễ hội hoa Dã quỳ – Núi lửa Chư Đang Ya thêm sinh động, hấp dẫn.

Nhóm PV


Lượt xem: 97

Trả lời