Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Khám, chữa bệnh (Sửa đổi)

Cập nhật 13/6/2022, 11:06:08

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng nay, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tham gia thảo luận tại hội trường, các đại biểu chỉ rõ, Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã nêu “đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân là đầu tư cho phát triển”. Chính vì vậy, đại biểu tán thành cao với sự cần thiết sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 vì sau một thời gian thực hiện đã nảy sinh vướng mắc, bất cập mà chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết nhiều vấn đề về quản lý người hành nghề, quản lý cơ sở khám, chữa bệnh và một số vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn khám bệnh, chữa bệnh như khám bệnh, chữa bệnh từ xa, điều trị nội trú ban ngày, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu ngoại viện, phòng ngừa sự cố y khoa…

Quan tâm về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, các đại biểu phân tích, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân thông qua hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe, được đảm bảo an sinh xã hội. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh có tác động trực tiếp tới quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước cũng như tài chính của mỗi người dân. Vì vậy đối với khối tư nhân cần có cơ sở, cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo quyền của người bệnh. Nếu thả nổi cho giá khu vực tư nhân quyết định sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, người bệnh phải trả chi phí cao khi họ không có lựa chọn khác trong thời điểm các cơ sở y tế công lập đã quá tải như thực tế trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua./.

BT: Lệ Xuân, Trần Thi


Lượt xem: 3

Trả lời