Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương vùng Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Cập nhật 10/2/2023, 11:02:30

Sáng nay (10/2), tại Hội trường 2/9, TP. Pleiku, đồng chí Trần Lưu Quang – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với 5 tỉnh Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; trên cơ sở đó đề ra các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Tham dự Hội nghị về phía Đoàn công tác Trung ương có các đồng chí: Hầu A Lềnh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Hà Thị Nga – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; cùng các đồng chí lãnh đạo một số bộ, ban, ngành là cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tham dự Hội nghị về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Hải Long – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trương Văn Đạt – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã nêu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, đề nghị các địa phương báo cáo nêu rõ về tình hình, kết quả triển khai thực hiện và những khó khăn, vướng mắc; đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành Trung ương giải trình làm rõ thêm các kiến nghị, đề xuất của các địa phương; trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ xem xét để có những điều chỉnh cho phù hợp, tránh chồng chéo trong triển khai thực hiện các chương trình.

Đồng chí Trần Lưu Quang – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Có những điểm chung trong thực hiện 3 chương trình như thế này: Thứ nhất là chúng ta triển khai chậm, thứ hai là có quá nhiều vướng mắc, như về cơ chế, chính sách, quy định thì có chương trình có, có chương trình chưa đầy đủ, có chương trình có nhưng không rõ và quan trọng là có sự chồng chéo trong các quy định nên việc triển khai thực hiện có những khó khăn. Cho nên tôi đề nghị các đồng chí phát biểu nêu rõ những khó khăn, vướng mắc để có những giải pháp sau đó các bộ, ngành nên trao đổi ban đầu. Mục tiêu của chuyến công tác này là chúng tôi thu thập thông tin, tìm hiểu vướng mắc và những kiến nghị, đề xuất. Sau khi đi cả 3 khu vực thì Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ họp và đưa ra các giải pháp tích cực hơn nữa trong thời gian tới.”

Đồng chí Trần Lưu Quang – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Theo báo cáo chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia ở 5 tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2021 – 2025, Trung ương đã phân bổ tổng vốn đầu tư phát triển cho các địa phương là trên 11.700 tỷ đồng, chiếm 11,73% tổng nguồn lực đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương để thực hiện 3 chương trình trong cả nước. Đến nay, tất cả các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn. Đối với nguồn vốn trung ương phân bổ cho các địa phương trong 2 năm 2022 và 2023 là hơn 6.960 tỷ đồng, đến hết tháng 1 năm 2023 các địa phương đã giải ngân vốn năm 2022 là gần 1.350 tỷ đồng, đạt hơn 48% kế hoạch; kết quả giải ngân vốn từ ngân sách địa phương đạt gần 93%. Qua báo cáo tổng hợp cho thấy, quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi nhiều hợp phần, tiểu dự án chưa có hướng dẫn, định mức phân bổ.

Báo cáo tham luận tại Hội nghị về tình hình, kết quả triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nêu rõ: Trên cơ sở văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh Gia Lai đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả. Qua đó đã có những tác động tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống cho người dân, nhất là trong vùng dân tộc thiểu số. Về tình hình phân bổ vốn 3 chương trình, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Gia Lai được phân bổ hơn 3.585 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hơn 2.826 tỷ đồng và ngân sách địa phương gần 760 tỷ đồng. Về giải ngân vốn năm 2022, đến cuối tháng 1/2023 đạt gần 31% kế hoạch giao. Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2023, UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn đợt 1 là gần 700 tỷ đồng. Cùng với khó khăn, vướng mắc chung như các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch cũng đã nêu cụ thể những vướng mắc, khó khăn đối với từng hợp phần, dự án trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm và có những giải pháp tháo gỡ.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu: “Về đề xuất kiến nghị, thứ nhất là đối với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thì sớm giao vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025 để triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; và tháo gỡ những vướng mắc về dự án 1 thì cho chủ trương chuyển từ thực hiện vốn đầu tư sang vốn sự nghiệp để triển khai cho thuận lợi; thứ hai là tiểu dự án 9 thì ban hành tiêu chí dân tộc thiểu số nghèo, có khó khăn đặc thù thì cho phép sử dụng kinh phí năm 2022 để cấp hỗ trợ phát triển sản xuất. Đối với các bộ, ngành trung ương thì trân trọng đề nghị thứ nhất đối với Ủy ban Dân tộc thì hướng dẫn đối với dự án 1; đối với dự án 2 về bồi dưỡng kiến thức dân tộc thì tháo gỡ về chương trình dự bị đại học theo quy định thì đề nghị thống nhất đồng bộ thì không thông qua chương trình dự bị đại học. Đối với dự án 4, dự án 5 thì sớm ban hành bộ tài liệu để địa phương có cơ sở triển khai; và cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc báo cáo Thủ tướng cho phép các xã thuộc khu vực vùng 3 theo Quyết định 861 tiếp tục được hướng các chiính sách trong giai đọa 2021 – 2025 sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vì thực tiễn khi ban hành Quyết định 861 có tác động rất là lớn ở các địa phương. Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị ban hành văn bản, quy định chi tiết thêm về nội dung hướng dẫn tại Điều 22, Thông tư số 12/2022 và phê duyệt các mô hình thí điểm tỉnh Gia Lai đã đăng ký tham gia của các Chương trình chuyên đề trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.”

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương đã giải trình, làm rõ thêm những kiến nghị và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Thông tin chi tiết về Hội nghị trực tuyến giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang với các địa phương vùng Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chúng tôi sẽ phản ánh trong bản tin sau./.

Đức Hải – Phi Long – R’Piên


Lượt xem: 199

Trả lời