Nông dân Chư Pưh liên kết phát triển sản xuất

Cập nhật 16/9/2022, 16:09:02

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10 của TW Hội Nông dân Việt Nam khóa VII về tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho Nhân dân; Hội Nông dân huyện Chư Pưh đã tập trung xây dựng và phát huy hiệu quả các hình thức liên kết trong sản xuất. Đây chính là nền tảng để kinh tế nông nghiệp của huyện từng bước ổn định, khẳng định vai trò then chốt trong cơ cấu kinh tế của huyện trong thời điểm hiện nay.

Khu dân cư của đồng bào DTTS phía Bắc vào định cư những năm 90. 120 hộ dân thuộc các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng sống tập trung tại thôn Ia Jôl, xã Ia Le. Gọi là tập trung nhưng nhà cách nhà, hộ cách hộ… xen lẫn những khoảng đất canh tác rộng lớn. Chủ yếu vẫn là trồng cây ngắn ngày, cùng với đó là chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu liên kết… Vài tháng trước, một tổ hội nông dân nghề nghiệp được thành lập với 05 thành viên, là những hộ dân chăn nuôi dê với tổng đàn khoảng 200 con. Lần đầu tiên một tổ hội được thành lập, bước đầu liên kết những hộ dân lại gần nhau hơn.

Ông Lê Việt Chiến – Tổ trưởng Tổ chăn nuôi thôn Ia Jôl, xã Ia Le, Chư Pưh nói: “Trước kia chăn nuôi nhỏ lẻ, bây giờ liên kết với hợp tác xã, liên kết với nhau. Từ khi liên kết, cũng đỡ hơn, khi con vật đau bệnh chia sẻ kinh nghiệm với nhau, giải quyết rất dễ dàng. Nhất là hội viên rất yên tâm vì liên kết với hợp tác xã, giao kết bán mua theo giá cả thị trường. Rất yên tâm”.

Còn ở HTX Nông lâm nghiệp Ia H’Rú, hiện có khoảng gần 60 người là thành viên, đều là những hộ dân làm nông nghiệp tại địa phương. 6 sản phẩm gồm gạo Kê Lau, tinh bột nghệ, mật ong, hạt tiêu đen, dầu đậu phụng và cà phê… đều là những nông sản của địa phương, do chủ tịch Hội đồng quản trị HTX đứng ra liên kết thu mua, chế biến, nâng tầm giá trị.

Ông Huỳnh Văn Ánh – Chủ tịch HĐQT HTX Nông lâm nghiệp Ia H’Rú, Chư Pưh cho biết: “Từ xưa đến nay nông dân làm nông nghiệp kiểu manh mún, nhỏ lẻ. Mà cơ chế hàng hóa, dân ta cứ làm thế này sẽ được mùa mất giá. Phải liên kết, vào kinh tế tập thể. Bây giờ còn giai đoạn khó khăn, chúng tôi đang củng cố uy tín và thương hiệu. HTX sẽ đứng ra thu mua, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi đang có ý tưởng để có được chuỗi siêu thị các mặt hàng nông sản địa phương”.

Xác định những mục tiêu cần thiết từ Nghị quyết số 10 ngày 27/7/2020 của BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa XII) về tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2025 và Nghị quyết TW4 về xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp; Hội Nông dân huyện Chư Pưh chủ động phối hợp vận động, hướng dẫn các xã, thị trấn đẩy mạnh các hình thức kinh tế tập thể, chú trọng liên kết sản xuất. Bắt đầu là những tổ hội, chi hội nghề nghiệp, hoặc những tổ hợp tác, HTX. Tổ chức hội cũng tăng cường công tác tập huấn, nâng cao kiến thức cho hội viên nông dân, các tổ hợp tác, HTX về sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, xây dựng và phát triển kinh tế tập thể theo chuỗi liên kết, gắn với tiêu thụ sản phẩm, kỹ thuật chăm sóc cây trồng bền vững.

Ông Huỳnh Xuân Huy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia H’Rú, huyện Chư Pưh nói: “Hội Nông dân xã hỗ trợ cho các tổ hội có điều kiện hoạt động đúng trong phạm vi. Cùng với đó tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua sàn giao dịch điện tử để sản phẩm của nông dân được đi xa hơn, nhiều người biết đến hơn. Nhờ đó, bài toán về đầu ra cũng đỡ hơn trước kia”.

Ông Trần Đức Hậu – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pưh cho biết: “Trên tinh thần của Nghị quyết Tỉnh ủy, Huyện ủy, chúng tôi tăng cường tuyên truyền cho nông dân, dần dần hình thành các liên kết trong sản xuất; đặc biệt sự hỗ trợ lẫn nhau, sự gắn kết từ đầu vào lẫn đầu ra cho nông sản địa phương. Với sự đòi hỏi của cơ chế thị trường hiện nay, việc liên kết với nhau là một đòi hỏi tất yếu. Nhiều nông dân đã tự liên kết lại với nhau để tìm đầu ra, đầu vào ổn định”.

Các hình thức tập thể hướng đến liên kết trong sản xuất đang đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế nông nghiệp huyện Chư Pưh, nhất là góp phần cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, thay đổi tư duy của nông dân. Từng bước phát triển sản xuất một cách bền vững hơn những năm trước đây./.

Minh Lý – Viễn Khánh


Lượt xem: 37

Trả lời