Nỗ lực xây dựng môi trường sống vùng nông thôn

Cập nhật 24/5/2019, 10:05:38

Với đặc điểm là vùng dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế, phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt còn lạc hậu, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng môi trường sống nông thôn. Tuy nhiên với sự nỗ lực vận động tuyên truyền bà con, xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa, Gia Lai đã có sự chuyển biến trong nhận thức, cũng như thay đổi cảnh quan môi trường sống.

Theo chia sẻ của thôn trưởng buôn Chư Bá A, xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa thì hiện nay buôn mới có 15 trên tổng số 263 hộ gia đình có nhà vệ sinh, nhà tắm hợp chuẩn. Mặc dù, ông đã cùng các ban ngành đoàn thể mặt trận các cấp tuyên truyền, vận động suốt thời gian qua, nhưng người dân vẫn chưa thay đổi được nếp sinh hoạt vốn tồn tại lâu đời nay.

Ông Nay Glơk – Thôn trưởng buôn Chư Băh A, xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa, Gia Lai nói: Người dân ở đây họ quen với nếp cũ rồi, chúng tôi nói mãi chỉ có ít người theo làm nhà vệ sinh,nhà tắm đúng tiêu chuẩn thôi. Còn nhiều người chưa thay đổi thói quen cũ lắm.

Xã Chư Băh là một trong 2 xã được thị xã Ayun Pa chọn làm điểm về đích nông thôn mới vào cuối năm 2019. Hiện nay, các tiêu chí khác đã cơ bản hoàn thành theo kế hoạch. Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, tiêu chí môi trường đang là một thách thức lớn của xã. Một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa thay đổi thói quen chăn thả gia súc dưới sàn nhà hoặc gần nơi sinh hoạt. Ngoài ra, tính đến thời điểm này, xã mới có 239/948 hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể nước sinh hoạt hợp vệ sinh – chỉ đạt 25,2%, trong khi yêu cầu phải đạt 70% trở lên.

Bà  Ksor H’ Nhút, buôn Chư Bá A, xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa, Gia Lai cho biết: “Nhà mình vẫn chưa có nhà vệ sinh đâu, nhà mình cũng còn khó khăn nên chưa có tiền làm đâu”.

Môi trường được xác định là tiêu chí sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện, chính vì thế, để hoàn thành mục tiêu xây dựng môi trường nông thôn đạt yêu cầu của Chương trình Xây dựng nông thôn mới đề ra, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, thì đảng ủy,chính quyền xã đã xây dựng các mô hình điểm về giữ gìn môi trường sống xanh – sạch – đẹp. Ngoài ra huy động nhiều kênh khác nhau để hỗ trợ người dân xây nhà vệ sinh, bể nước sinh hoạt đạt chuẩn. Những mô hình nhà vệ sinh, bể nước đạt yêu cầu ra đời đã tác động không nhỏ đến ý thức của người dân trong từng buôn làng.

Chị Siu H’ Nhơn – Xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa, Gia Lai nói: “Chúng tôi làm nhà vệ sinh như thế này thì thuận tiện hơn trước , không còn dơ bẩn, ô nhiễm môi trường”.

Ông Siu Hiếu – Bí thư Đảng ủy xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa, Gia Lai cho biết: “Hiện nay xã chúng tôi chỉ còn tiêu chí về môi trường trong đó về tiêu chí xây dựng nhà vệ sinh, có nhiều chưa hiểu thì cứ nghĩ nhà vệ sinh, nhà tắm rất nhiều tiền, cứ khoảng mấy chục triệu nhưng vì chúng tôi kiên trì vận động, tuyên truyền, và xây dựng những nhà vệ sinh điểm cho người dân. Nên cũng đã tiến triển tốt. Tuy nhiên, vẫn còn phải cố gắng để đạt được tiêu chí này đến cuối năm”.

Xây dựng môi trường sống vùng nông thôn không chỉ là khó khăn của riêng một địa phương nào. Công tác này cần sự nỗ lực, vào cuộc một cách chặt chẽ, thường xuyên và liên tục của toàn bộ hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, ý thức của người dân cũng cần nâng cao, thay đổi để hướng đến một cuộc sống tươi đẹp hơn, văn minh hơn./ .

Thanh Vui, Ksor Tuối


Lượt xem: 30

Trả lời