Nhà báo nữ – Niềm đam mê và sự hy sinh

Cập nhật 19/6/2018, 07:06:54

Giờ giấc không ổn định, thường xuyên phải đi công tác cơ sở, luôn đối mặt với những vấn đề phức tạp của xã hội… đó là những áp lực của nghề báo. Với những nhà báo nữ họ còn phải chịu nhiều vất vả, áp lực, phải hy sinh thời gian cho gia đình, thời gian cho bản thân để gắn bó với nghề. Nghề báo là nghề nguy hiểm, tai nạn nghề nghiệp cao. Người phụ nữ bước vào nghề báo đòi hỏi phải có niềm đam mê và nhiệt huyết với nghề. Nhân Kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), chúng ta hãy cùng nghe họ trải lòng về nỗi vất vả, khó khăn để thực hiện niềm đam mê, gắn bó với nghề, hoàn thành tốt trách nhiệm người làm báo.

Là phóng viên Phòng Thời sự  Đài PT – TH Gia Lai, phóng viên Mỹ Tiến thường xuyên phải đi cơ sở, thực hiện những đề tài nóng, thời gian làm việc không ổn định, thế nhưng chị luôn nỗ lực cố gắng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mặc dù trên vai gánh nặng việc gia đình, song với niềm yêu nghề, đam mê cầm bút là động lực giúp chị luôn sáng tạo, miệt mài để có những tác phẩm báo chí tốt phục vụ khán, thính giả. Đối với chị, gia đình là chỗ dựa, là nơi chị tìm thấy được sự cảm thông và chia sẻ khi bản thân quyết định tìm đến với nghề báo.

Phóng viên Mỹ Tiến -Phòng Thời sự, Đài PT – TH Gia Lai trao đổi “ Đối với nghề báo theo tôi nghĩ những khó khăn đối với nữ thì nó nhiều hơn là đối với nam. Nhưng tôi nghĩ, sau những khó khăn, vất vả đó thì tôi nghĩ gia đình sẽ là nơi để dừng chân, cũng như là chỗ dựa của phụ nữ. Với bản thân tôi, tôi nghĩ mình không thể lựa chọn giữa gia đình và công việc. Bởi hai yếu tố đó nó có tác động và hỗ trợ cho nhau.Bản thân tôi, tôi nghĩ dù mình có đam mê công việc thế nào thì mình hãy cố gắng làm việc trong khoảng thời gian nhất định, để khi trở về với gia đình thì mình dành thời gian đó cho cuộc sống gia đình mình. Với tôi cũng được cái thuận lợi, mặc dù gặp khó khăn nhưng luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của gia đình, đặc biệt là chồng tôi. Chính nguồn cổ vũ động viên đó là động lực, là chỗ dựa để mình cố gắng hoàn thành công việc”.

Còn đối với phóng viên Trần Dung – một gương mặt được xem là khá trẻ của Tòa soạn Báo Gia Lai; từ thời học sinh chị đã ấp ủ ước mơ làm nghề báo. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình tại TP Hồ Chí Minh, năm 2012, chị xin vào Tòa soạn Báo Gia Lai. Quãng thời gian chị công tác tại đây tuy chưa lâu nhưng chị cũng đã trải qua bao khó khăn vất vả, song chị luôn cố gắng để gắn bó với nghề và dành thời gian cho việc viết báo nhiều hơn nữa.

Phóng viên Trần Dung – Phòng Báo Điện tử – Báo Gia Lai chia sẻ “Tôi bước vào nghề đã được 6 năm, cùng với tâm huyết, mơ ước và nguyện vọng của mình thì được sự giúp đỡ của Ban biên tập, của anh em đồng nghiệp, tôi đã vượt qua khó khăn để có những thành công cho riêng mình. Và tình yêu dành cho công việc viết lách, viết báo của mình thì vẫn còn vẹn nguyên. Ngày đầu mình về Báo Gia Lai, từ những tác phẩm đầu tiên cho đến tác phẩm bây giờ vẫn là những đứa con tinh thần của mình”.

Ít ai biết rằng, đằng sau mỗi bài viết, đằng sau mỗi bút danh ẩn giấu biết bao trăn trở, buồn vui, bao hiểm nguy và cả những hy sinh thầm lặng của những “nữ nhà báo”. Dấn thân vào nghề báo, người phụ nữ vất vả không thể nói hết, nhưng với lòng yêu nghề, đam mê và nhiệt huyết, họ vẫn tiếp tục bước đi trên con đường mình đã chọn.

Phóng viên Minh Lý Phòng Chuyên đề, Văn nghệ và Giải trí, Đài PT – TH Gia Lai cho biết “Để có được những tác phẩm chuyên sâu, bám sát vào đề tài của mình, thì nhà báo nữ cũng phải thu xếp công việc gia đình, chồng con và công việc cơ quan để có thời gian nghiên cứu đề tài của mình, đi cơ sở nữa nên có nhiều vất vả và khó khăn cần có những nỗ lực nhất định”.

Phóng viên Trần Dung – Phòng Báo Điện tử – Báo Gia Lai cho biết “Là một nữ phóng viên, lúc tác nghiệp cũng như trong đời sống hàng ngày, để mà cân bằng cuộc sống, cũng có những thời điểm mình thấy thực sự mất thăng bằng, nhưng khi đã lao vào công việc, được xuống với cơ sở, được gặp những nhân vật của mình thì mình cảm thấy yêu nó, phải gắn bó, phải tâm huyết  hơn nữa. Khi càng gắn bó, càng tâm huyết thì mình cảm thấy càng yêu nghề. Mình đã chọn đúng đường đi của mình”.

Phóng viên Minh Lý – Phòng Chuyên đề, Văn nghệ và Giải trí, Đài PT – TH Gia Lai chia sẻ“ Ấn tượng nhất đối với nghề của mình đó là mình đã đi đến được những vùng sâu, vùng xa, những làng đặc biệt khó khăn mà sau này nghĩ lại mình vẫn cảm thấy vui. Đó là mình phải qua những ngọn đồi, núi sâu để đến bản làng để phản ánh cuộc sống của người dân ở đó. Đôi khi đi đến những vùng khó khăn đó mình cũng nhận được sự chào đón của đồng bào. Họ cũng thường xuyên xem làn sóng đài THGL, họ nhìn thấy phóng viên và cảm thấy rất quý mến và thích được tiếp xúc, hợp tác với mình, như thế là mình cảm thấy vui rồi”.

Trách nhiệm của người mẹ, người vợ với bao nhiêu thứ việc không tên lẫn có tên, họ – những người phu nữ làm báo vẫn phải chu toàn. Để có được thành công đó, đằng sau họ luôn có “hậu phương” vững chắc và phía trước là niềm tin của độc giả, khán thính giả.

Phóng viên Mỹ Tiến – Phòng Thời sự – Đài PT – TH Gia Lai bày tỏ “Bản thân tôi cũng đã hơn 10 năm công tác trong nghề, mình nghĩ rằng dù nghề nào cũng vậy, khi bắt đầu một công việc nào đó cũng còn những lạ lẫm, bỡ ngỡ bước đầu; đặc biệt với nghề báo thì nó đòi hỏi ở lập trường tư tưởng cũng như ý chí của mình nó kiên định, vững vàng hơn trong thời đại đổi mới và hội nhập hiện nay. Kinh nghiệm của mình qua 10 năm, tôi nghĩ rằng mình hãy cố gắng làm hết sức mình, tận tâm, tận tình, yêu nghề, trách nhiệm trong công việc, tôi nghĩ là kết quả sẽ như ý muốn”.

Bích Thủy – Huy Toàn – Xuân Huy


Lượt xem: 77

Trả lời