Ngành Y tế Gia Lai sau 48 năm miệt mài cống hiến

Cập nhật 30/4/2023, 10:04:23

Kế thừa thành quả của giai đoạn trước, sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), ngành Y tế Gia Lai đã không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn và từng bước đi lên theo đà phát triển của y học cả nước và thế giới. Theo đó, ngành Y tế tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), ngành Y tế Gia Lai cùng với cả nước bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước ổn định và phát triển. Có thể nói, đó là những năm tháng đầy cam go và thử thách. Khi đó toàn tỉnh chỉ có gần 30 bác sĩ, cán bộ y tế, chủ yếu là y sĩ và y tá, khoảng 50% xã trong tỉnh có trạm y tế. Với sự nỗ lực không ngừng của tỉnh, đến thời điểm này, 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã có tổng cộng 220 trạm y tế (đạt 100%), phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Chị Ken – Làng Tul Đoa, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa bày tỏ: “Trước kia chưa có trạm y tế, nhà có ai đau phải đi ra huyện để chữa trị, xa lắm. Bây giờ, mỗi lần con đau, mình đưa đến đây các bác sĩ khám bệnh, phát thuốc không mất tiền.”

Giai đoạn đầu sau giải phóng, không những trạm y tế ít mà các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh ở Gia Lai cũng chưa có nhiều chuyên khoa sâu mà hầu hết các cơ sở y tế chỉ có thể thực hiện được những loại phẫu thuật đơn giản. Những thiếu thốn về trang thiết bị, về chế độ, chính sách không làm nản lòng đội ngũ thầy thuốc. Đó là những năm tháng mà ngành Y tế Gia Lai vượt qua khó khăn để đi lên, đạt được những thành quả rất đáng tự hào.

BS CKI Ksor Bip – Trưởng Khoa Nội – Nhi – Nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa chia sẻ: “Lúc tôi mới về đây, cơ sở vật chất, phòng ốc có ít lắm, toàn là nhà cấp 4, lúc đó khoa phòng như khoa tổ chức còn đơn giản, có những khoa chưa phát triển thêm nhưng sau một thời gian được đầu tư của nhà nước, nhà cửa được xây dựng thêm và một số khoa phòng được mở rộng ra, trang thiết bị máy móc được đầu tư nhiều hơn.”

Với những nỗ lực vì sức khỏe nhân dân, hệ thống mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và đi vào hoạt động hiệu quả. Theo đó đến nay, toàn ngành Y tế tỉnh đã có 927 bác sĩ, trong đó 3 tiến sĩ, 20 bác sĩ Chuyên khoa II, 265 bác sĩ chuyên khoa I, 639 bác sĩ đa khoa và trên 2.500 điều dưỡng, y sĩ, kỹ thuật viên, hộ sinh, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Bên cạnh đó, với phương châm đa dạng hóa các hoạt động, xã hội hóa công tác y tế nên công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã tiến một bước dài, cụ thể đó là sự ra đời của khoa ung bướu và khoa tim mạch, đưa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai trở thành bệnh viện vệ tinh bệnh viện tuyến trung ương.

BS CKII Trần Kế Toán – Trưởng khoa Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai trao đổi: “Là một chặng đường rất là dài, có sự kế thừa nền móng từ trước. Bệnh viện trước cũng có điều trị bệnh tim mạch nhưng nó chưa thành đơn vị khoa phòng chuyên khoa mà nó nằm rải rác ở các khoa khác, nhưng với sự cố gắng của lãnh đạo các cấp cùng chủ trương chính sách phù hợp của Đảng, đặc biệt là chương trình giảm tải cho tuyến bệnh viện Trung ương nâng cấp tuyến dưới thì Đề án Bệnh viện vệ tinh ra đời, sau đó lãnh đạo bệnh viện và ngành y tế quyết tâm xây dựng khoa tim mạch riêng, khoa ung bướu riêng, phát triển hai chuyên ngành theo Đề án bệnh viện vệ tinh.”

Sau 48 năm xây dựng từ trong gian khó, ngành Y tế Gia Lai đã có những bước đi dài, vừa xây dựng vừa củng cố, chỉnh đốn hoàn thiện. Tập thể cán bộ, nhân viên y tế khoác trên mình áo blouse trắng từ cơ sở cho đến tỉnh đang ngày đêm miệt mài cống hiến cho quê hương, xứng đáng với sự kỳ vọng và niềm tin tưởng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Lệ Xuân – Phi Long


Lượt xem: 2

Trả lời