Liên kết sản xuất chăn nuôi gà thương phẩm ở huyện Ia Grai

Cập nhật 18/1/2022, 10:01:29

Cùng với việc đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất cà phê, cây ăn trái…, những năm gần đây, nhiều người dân tại huyện Ia Grai còn mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp để phát triển chăn nuôi gà thương phẩm theo mô hình trang trại, đã và đang đem lại những hiệu quả thiết thực, thúc đẩy phát triển chăn nuôi trên địa bàn.

Sau khi đã tìm hiểu kỹ về quy trình kỹ thuật chăn nuôi và thấy rõ hiệu quả kinh tế từ nuôi gà theo quy mô trang trại mà bà con họ hàng đã được hưởng lợi, giữa năm 2021, gia đình bà Lê Thị Mông ở làng Ngai Yố, xã Ia Bă, huyện Ia Grai đã quyết định đầu tư làm chuồng trại bài bản, khép kín để liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi gà thịt. Sau 2 lứa đã xuất chuồng, đây là lứa gà thứ 3 gia đình bà nuôi gia công cho công ty với quy mô 17.000 con mỗi lứa.

Bà Lê Thị Mông nói: “Giống má công ty người ta lo hết, gà có bệnh tật gì thì người ta cử bác sĩ đến để chăm sóc cho mình. Ăn uống, gà thực phẩm thì công ty người ta bao tiêu hết. Đến lượt bán thì người ta nhập cho mình hết luôn, dù gà thế nào thì người ta nhập hết. Cái này mình làm cũng được, một ngày tính ra ngày công nuôi cũng 300-400 ngàn của 1 ngày, 3 tháng tính ra cũng được 60 đến 70 triệu đồng công nuôi nên cũng an toàn”.

Việc liên kết với doanh nghiệp để chăn nuôi gà thương phẩm đã và đang được huyện Ia Grai triển khai trên địa bàn xã Ia Bă và xã Ia Grăng trong hơn 2 năm nay. Quá trình liên kết giữa người dân và doanh nghiệp được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ và đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực chuồng trại. Theo đó, với con giống, thức ăn và đầu ra của gà thịt do công ty chịu trách nhiệm đảm nhận, mỗi lứa gà sau 3 tháng nuôi có thể xuất chuồng. Đây chính là yếu tố quan trọng để các hộ dân yên tâm liên kết chăn nuôi nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Bổn – Chủ tịch UBND xã Ia Bă, huyện Ia Grai cho biết: “Nuôi gà theo kiểu trang trại trên địa bàn xã Ia Bă có 2 mô hình đã chăn nuôi được 1 năm. Chúng tôi cũng xác định đây là mô hình kinh tế đột phá trên địa bàn huyện. Các hộ dân mạnh dạn liên kết để góp vốn và tài sản với doanh nghiệp để cùng sản xuất. Các hộ dân bỏ đất, vốn, công, doanh nghiệp đầu tư toàn bộ về quy trình kỹ thuật, giống thức ăn cho các hộ dân chăn nuôi và cùng chia sẻ lợi nhuận  này”.

Ông Lê Quang Đạo – Chủ tịch UBND xã Ia Grăng, huyện Ia Grai thông tin thêm: “Trên địa bàn xã có 3 mô hình nuôi gà theo kiểu trang trại. Mô hình này đã góp phần tăng sản lượng gia cầm của xã lên rất nhanh. Các hộ chăn nuôi thu nhập cũng ổn định và hiện nay cũng có một số hộ muốn mở rộng, tìm cách mở rộng mô hình đó”.

Việc liên kết giữa người dân và doanh nghiệp để chăn nuôi gà thương phẩm theo mô hình trang trại không chỉ giúp người dân tiếp cận với quy mô sản xuất lớn, từ đó ổn định và nâng cao thu nhập mà còn thúc đẩy ngành chăn nuôi gia cầm ở huyện biên giới Ia Grai phát triển bền vững. Những triển vọng từ mô hình chăn nuôi này còn tạo cơ sở để thu hút các hộ dân tham gia, qua đó đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp-nông thôn và nông dân phát triển./.

Thiên Thanh, Phi Long


Lượt xem: 53

Trả lời