Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2017

Cập nhật 20/11/2017, 10:11:17

Với chủ đề, “Tưởng nhớ người đi – Vì người ở lại”; Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2017 tổ chức tại thành phố Pleiku do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức tối qua 19/11 một lần nữa gửi đi thông điệp tưởng nhớ người đã mất, cảm nhận rõ ràng hơn hậu quả của tai nạn giao thông gây ra, để mỗi người trong chúng ta trân quý hơn sự sống thiêng liêng, từ đó biến nhận thức thành hành động cụ thể để chung tay đẩy lùi tai nạn giao thông. Tham dự buổi lễ, về phía lãnh đạo Trung ương có đồng chí Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Về phía lãnh đạo tỉnh Gia Lai có đồng chí Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, cùng đại diện các ban đảng Tỉnh ủy; HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể và hơn 500 cán bộ, chiến sỹ, nhân dân, đoàn viên thanh niên, thân nhân các nạn nhân tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Ở nước ta, mỗi ngày có khoảng 24 người ra đi và không bao giờ trở về, hàng chục người mang thương tật vĩnh viễn vì tai nạn giao thông. Tai họa ập đến bất ngờ, mang đến nỗi đau tận cùng cho hàng trăm gia đình Việt Nam mỗi ngày. Đây thực sự là một điều không thể chấp nhận được đối với một đất nước đang sống trong hòa bình; đằng sau những cái chết do tai nạn giao thông là số phận côi cút của hàng ngàn em nhỏ cùng biết bao bậc cha mẹ già không nơi nương tựa…Riêng với Gia Lai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 362 vụ tai nạn giao thông, làm chết 208 người, bị thương 440 người. So với cùng kỳ năm 2016, tai nạn giao thông giảm 23 vụ, giảm 3 người chết và giảm 5 người bị thương.

Ông Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu: “Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông được tổ chức hôm nay tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai là một sự kiện đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa vô cùng to lớn; là dịp để mỗi chúng ta cùng thế giới tưởng nhớ và thương cảm với những người không may qua đời khi tham gia giao thông, cùng chia sẻ để phần nào xoa dịu nỗi đau đối với người thân và gia đình của họ. Đây là cơ hội để mỗi chúng ta nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè và cộng đồng về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống và sự cần thiết phải chấp hành luật giao thông, nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông”.

          Tai nạn giao thông không chỉ là sự mất mát, những nỗi đau đến quặn thắt đối với người thân còn sống, gánh nặng về kinh tế mà còn biết bao ước mơ bỗng chốc tan thành mây khói.

Như trong câu chuyện mà Rơ Lan Tă chia sẻ: Vào năm 2013, chỉ vì bốc đồng, không làm chủ tốc độ khi điều khiển xe mô tô tham gia giao thông, anh cùng nhóm bạn đã đâm vào xe công nông lưu thông trên Quốc lộ 14 đoạn qua địa bàn huyện Chư Pưh. May mắn thoát chết, nhưng Tă bị đa chấn thương, trở thành người tật nguyền vĩnh viễn. Vậy là ước mơ trở thành phi công của Tă đành dang dở và gánh nặng về kinh tế, thuốc thang điều trị giờ đè lên đôi vai bố mẹ già.

Anh Rơ Lan Tă – Làng Tao Chor B, xã Ia HRú, huyện Chư Pưh, Gia Lai nói: “Em mong các thanh niên ngày nay đừng chạy xe ẩu quá, nên chấp hành Luật Giao thông đường bộ để không phải gặp tai nạn như em”.

         

Sau mỗi vụ tai nạn giao thông đều để lại những nỗi đau, những giọt nước mắt, những ám ảnh kinh hoàng, những gánh nặng vật chất cho người trong cuộc. Song xót xa hơn cả là những mất mát không gì có thể bù đắp khi mất đi những người thân yêu trong gia đình. Di chứng đau thương của tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức của nhiều gia đình và kéo theo đó là hệ lụy đói nghèo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống gia đình và gánh nặng cho xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phát biểu: Mỗi chúng ta hãy thể hiện niềm xót thương với những nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông bằng những hành động cụ thể: Tuân thủ quy định pháp luật về an toàn giao thông, tôn trọng và nhường nhịn những người cùng tham gia giao thông trên đường, không lái xe quá tốc độ, đã uống rượu bia không lái xe…Đó chính là cách thể hiện chân thành nhất của tình cảm, của sự tiếc thương mà chúng ta dành cho những nạn nhân xấu số. Đó chính là hành động cụ thể nhất để xây dựng môi trường giao thông an toàn, bảo vệ sự sống của chính mình, của đồng bào, đồng loại, vì hạnh phúc của mọi người, mọi nhà, vì sự phát triển của đất nước”.

Mỗi ngọn nến được thắp lên trong Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông hôm nay là lời tưởng nhớ những người không may tử vong do tai nạn giao thông. Đồng thời nhắc nhở mỗi chúng ta hãy cẩn trọng hơn, cùng nâng cao ý thức và cộng đồng trách nhiệm khi tham gia giao thông để những nỗi đau mãi không bao giờ quay trở lại…/.

 Đoàn Bình, R’Piên


Lượt xem: 114

Trả lời