Ký ức của những người từng vinh dự được gặp Bác Hồ

Cập nhật 21/8/2017, 14:08:07

Ai đã từng được gặp Bác Hồ dù chỉ trong phút giây ít ỏi thì đó sẽ là những kỷ niệm không thể nào quên. Năm tháng qua đi, nhưng cứ vào dịp Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 thì hình ảnh Bác Hồ và những tình cảm trân trọng, kính yêu vô vàn dành cho Bác vẫn mãi mãi không bao giờ phai nhạt trong ký ức của mỗi người.

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Hồ Thị Thừa (sinh năm 1945) ở phường Hoa Lư, thành phố Pleiku trong một ngày tháng 8 lịch sử. Đã hơn nữa thế kỷ trôi qua, nhưng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi khắc sâu trong trái tim của “nữ biệt động” (thành phố Huế) năm xưa. Giờ đây, đã ở cái tuổi xế chiều, nhưng bà Thừa vẫn nhớ như in giây phút vinh dự được gặp Bác. Mỗi lần nhắc lại, bà không khỏi xúc động xen lẫn cảm xúc tự hào.

Bà Thừa quê ở Hương Thủy , tỉnh Thừa Thiên Huế. 16 tuổi, bà tham gia hoạt động cách mạng tại đội nữ biệt động thành. Năm 1967, trong lúc làm nhiệm vụ, bà bị địch bắt. Bọn giặc dùng mọi thủ đoạn tra tấn nhưng không mang lại kết quả. Sau khi được địch thả về, bà tiếp tục hoạt động bí mật tại đơn vị Võ Thị Sáu, Tiểu đội Thép, Đội đặc nhiệm sông Hương. Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đội của bà được giao nhiệm vụ phục kích tại cầu Vân Dương (ngoại thành Huế), sau 26 ngày chiến đấu gan dạ, cả tiểu đội đã tiêu diệt 120 tên địch và  05 xe bọc thép, thu nhiều vũ khí.

Chiến dịch Mậu Thân kết thúc, lúc này những vết thương cũ của bà Thừa lại tái phát. Bà lâm bệnh nặng được tổ chức đưa ra Hà Nội chữa trị và cũng trong thời gian này, bà đã vinh dự được gặp Bác Hồ và các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng.

Bà  Thừa kể lại: “Bác Tôn Đức Thắng mới nói, để bác và mấy chú đưa cháu đi gặp Bác Hồ nha. Dạ. Đến gặp Bác Hồ tôi rất phấn khởi. Hai bác cháu ôm chầm lấy nhau và khóc. Mình thấy Bác mình khóc, và Bác cũng khóc. Thế là hai bác cháu cùng khóc. Gặp Bác tôi cũng báo cáo qua trận đánh năm Mậu Thân, kể qua sự chiến đấu của Tiểu đội Võ Thị Sáu cho Bác nghe, đồng thời tôi cũng báo cáo với Bác thời gian bị tù đày, sự tra tấn dã man của kẻ ác đối với người dân tộc Việt Nam. Tôi báo cáo với Bác, Bác xoa đầu tôi và nói: Sao cháu giỏi quá? Cháu người nhỏ bé sao cháu gan dạ vậy? Tôi mới trả lời: Dạ, thưa Bác, tuy cháu là người nhỏ bé nhất nhưng cháu có tinh thần căm thù giặc cướp nước và bè lũ tay sai”.

Cũng như bà Hồ Thị Thừa, là một trong những học sinh miền Nam ra Hà Nội học tập tại Trường Dân tộc Trung ương, ông Đinh Klum, người dân tộc Hre (Bình Định) vẫn giữ nguyên trong mình hồi ức đẹp về những lần được gặp Bác Hồ. Ông cho biết: Trong những năm học tập tại Trường Dân tộc Trung ương, năm nào ông cũng được gặp Bác Hồ trong những dịp Bác về thăm trường. Lần cuối cùng ông được gặp Bác là vào năm 1960, lúc đó ông đang học lớp 7.

Ông Đinh Klum, Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng kể lại: “Bác để lại trong người tôi hình ảnh con người Bác già dặn, đơn giản, bình dị bôn ba đi cứu nước mà mang dép cao su, mặc áo ka ki bạc màu, sờn hết”.

Nhớ Bác, nguyện suốt đời noi theo tấm gương ngời sáng của Người – Đó là tâm niệm của người cán bộ người dân tộc Hre – Đinh Klum. Ông đã dành trọn đời mình để cống hiến cho Tây Nguyên.

Ông Đinh Klum, cho biết thêm: “Để làm cán bộ, tôi làm cán bộ lãnh đạo từ cơ sở đến cấp tỉnh tôi làm đầy đủ, bài bản. Tôi làm chủ nhiệm khoa, phó giám đốc bệnh viện, phó giám đốc sở, làm phó chủ tịch UBND tỉnh mà tôi về không có ghế ngồi, vì nhân dân phục vụ chứ. Cái chuyện tham ô, tham nhũng là tôi không bao giờ có. Chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của Bác đã có hết, mình chỉ làm theo như thế thôi. Mình sống đừng làm gì để người ta chê và đặc biệt là phải giữ uy tín”.

Với những người ở thế hệ đi trước như bà Thừa, ông Đinh Klum, những giây phút ít ỏi được gặp Bác là những kỷ niệm không thể nào quên trong đời. Họ đã được Bác tiếp thêm nguồn sức mạnh vô giá, để biết ước mơ, phấn đấu, vượt qua bao gian khổ, gian nguy hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Trải qua hàng chục năm với nhiều đổi thay, thế nhưng cảm xúc về lần gặp Bác ngày ấy vẫn còn nguyên vẹn. Hình ảnh giản dị, khiêm nhường ấy của Người mãi in đậm trong trái tim muôn triệu con người với tấm lòng kính yêu và nhớ ơn luôn còn mãi về sau./.

Bích Thủy ,Xuân Huy


Lượt xem: 214

Trả lời