Khó khăn trong công tác phòng chống bệnh lao ở cơ sở

Cập nhật 24/3/2019, 21:03:00

“Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao” – đây là thông điệp của Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay. Tại Gia Lai, trung bình hàng năm toàn tỉnh phát hiện khoảng gần 700 bệnh nhân lao các thể. Thực tế cho thấy, tỷ lệ phát hiện bệnh lao trong cộng đồng còn thấp, việc phát hiện bệnh muộn không chỉ gây khó khăn cho công tác điều trị mà còn khiến nguy cơ lây lan tăng cao. Công tác phòng chống lao vẫn đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Phóng sự được thực hiện tại huyện Mang Yang nhân Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3.

Với triệu chứng ho kéo dài, cơ thể mệt mỏi, gầy sút cân, bệnh nhân  đã được khám, phát hiện sớm bệnh lao và điều trị 5 tháng tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Gia Lai. Sau khi trở về nhà, với việc duy trì uống thuốc đều đặn hàng ngày, đến nay sức khỏe của ông đã tiến triển tốt.

Chị Tang -xã Đăk Jơ Ta, huyện Mang Yang, Gia Lai cho biết: “Sau khi ông về nhắc nhở ông sáng ra uống thuốc, sáng nào tôi cũng chở đi tiêm, uống thuốc đầy đủ . Ở trạm cũng hướng dẫn liều lượng uống thuốc như thế nào ông cũng ráng uống thuốc không bỏ ngày nào. So với trước giờ ông đỡ hơn, ăn uống được, cơ thể cũng khỏe”.

Thuốc điều trị bệnh lao được cấp miễn phí. Việc phát hiện sớm, chữa bệnh kịp thời, đúng phác đồ là yếu tố then chốt để đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh lao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác phòng chống lao là  nhiều người vẫn còn mặc cảm với bệnh này, hiểu biết của một bộ phận người dân về bệnh lao còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao. Trong khi đó thách thức hiện nay là thiếu hụt nguồn lực làm công tác chống lao và chế độ dành cho đội ngũ làm công tác này ở cơ sở còn thấp.

BS Lê Hồng Tá – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đăk Jơ Ta, huyện Mang Yang, Gia Lai cũng cho biết: “Trong 2 năm qua xã có 5 trường hợp mắc bệnh lao. Tỷ lệ phát hiện lao chỉ là tảng băng nổi dân tới mình xét nghiệm được, thực tế trong dân còn nhưng mình tầm soát chưa hết. Hiện công tác tuyên truyền còn mỏng không đáp ứng được yêu cầu chương trình, kinh phí hỗ trợ truyền thông thường xuyên hàng năm không thấy”.

Y sỹ Vũ Hữu Ngạn – Tổ trưởng Tổ chống Lao, Trung tâm Y tế huyện Mang Yang, Gia Lai nói về những khó khăn trong công tác phòng chống lao: “ Khó khăn hầu hết là bệnh nhân luôn cứ mặc cảm với bệnh của mình. Khó khăn nữa là phụ cấp cho những người làm công tác chống lao từ xã tới đến huyện chưa được ưu đãi. Năm 2018 trung tâm thu nhận quản lý và điều trị 30 bệnh nhân lao và hiện bây giờ còn 16 bệnh nhân. Lao thì phát hiện khó trong khi để phát hiện ngay tại địa phương tức ngay tại xã không có trang thiết bị, chủ yếu là sự nhiệt tình của các bộ y tế tuyên truyền vận động và phát hiện bệnh nhân nghi lao lấy đờm hoặc giới thiệu lên bệnh viện huyện để làm xét nghiệm chẩn đoán xác định mới đưa vào điều trị”.

Để giảm số người mắc, tử vong do bệnh lao, tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh các hình thức truyền thông xuống cơ sở, tăng cường giám sát tại cộng đồng, phát hiện nguồn lây và duy trì tỷ lệ chữa khỏi. Đây không chỉ là trách nhiệm của cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống lao, mà cần có sự chung tay phối hợp đồng bộ của chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể và ý thức của mỗi người dân./.

Kim Châu,  Minh Trung


Lượt xem: 128

Trả lời