Kbang quan tâm phát triển kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật 10/7/2014, 10:07:46

Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng nhiều Chương trình, Dự án được triển khai trên địa bàn; trong đó có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư cho các  xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên cuộc sống của người dân và bộ mặt của các xã vùng sâu ở Kbang đã có nhiều thay đổi đáng mừng. 

 

Người dân tộc thiểu số ở Kbang đã được nâng cao về trình độ canh tác lúa nước.

 

Krong là xã vùng sâu, vùng xa và là một trong những xã khó khăn của huyện Kbang. Phần lớn dân số là đồng bào dân tộc Bah Nar với phương thức và tập quán canh tác còn lạc hậu nên những năm trước đây kinh tế – xã hội của xã rất kém phát triển. Cơ sở hạ tầng còn tạm bợ. Sản xuất của người dân chỉ mang tính tự cung, tự cấp. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80% …

Nhưng bằng nhiều sự quan tâm đầu tư của Nhà nước mà trong những năm gần đây Krong đã có nhiều thay đổi rõ nét. Hệ thống đường giao thông thông suốt; 21/23 thôn, làng đã có đường bê tông nội làng. 100% hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Phương thức, tập quán canh tác của người dân đã dần được thay đổi; từ độc cây canh lúa  đến nay bà con đã chuyển sang nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và mang tính sản xuất hàng hoá. Từ đó đời sống của nhân dân đã được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Người dân nơi đây đều vui mừng, phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và những đổi thay lớn ở địa phương.

Trong niềm vui phấn khởi anh Đinh Nông-Làng Kta, xã Krong, huyện Kbang tâm sự: Trong những năm vừa qua nhờ sự quan tâm của Đảng, Chính quyền địa phương, bà con chúng tôi ở đây rất phấn khởi vì đã được xây dựng điện, đường, trường trạm, rồi hướng dẫn áp dụng khoa học chăm sóc cây trồng, vật nuôi;  chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để phấn đấu xoá đói giảm nghèo.

 

 

Cùng với xã Kroong, Sơn Lang từ một xã đặc biệt khó khăn của Kbang đến nay cũng đã có nhiều đổi mới. Kết cấu hạ tầng giao thông đã cơ bản hoàn thiện. Nhất là từ khi có tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua đã làm thay đổi bộ mặt của Sơn Lang. Với lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai, bà con nhân dân đã mở rộng diện tích canh tác và đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi.  Để cho các Chương trình, Dự án đầu tư trên địa bàn thật sự phát huy hiệu quả, xã Sơn Lang cũng đã có những chính sách và tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể.

Qua trao đổi ông Dương Quốc Điệp-Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang, huyện Kbang cho biết: Trong những năm qua cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thì cấp uỷ, chính quyền địa phương chúng tôi cũng đã có kế hoạch để đầu tư cho 2 hạng mục chính; hạng mục thứ nhất là về cơ sở hạ tầng thì hoàn thiện hệ thống đường giao thông liên làng, nội đồng, rồi đầu tư hoàn thiện thiết chế cơ sở cho ngành giáo dục, trạm y tế và hệ thống kênh mương nội đồng. Ngoài cơ sở hạ tầng ra thì chúng tôi quan tâm vấn đề ổn định sản xuất, đặc biệt là các làng dân tộc thiểu số Bah Nar; đến nay với sự quan tâm của cấp trên thì xã đã ổn định và khai thác 90 ha lúa nước cho 6 làng đồng bào dân tộc thiểu số đi vào thâm canh, sản xuất ổn định. Bên cạnh đó việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, một số cây trồng hiện đã cho năng suất cao phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu đất đai ở địa phương như là cây cam đường canh, cây sa nhân tím, cây bời lời đỏ và lai tạo một số đàn trâu, bò trên địa bàn xã.

 

Huyện Kbang hiện có 14 xã, thị trấn; trong đó có 8 xã đặc biệt khó khăn với phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Trong những năm qua, nhiều chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước và chính sách của Huyện đã được lồng ghép triển khai trên địa bàn để tạo điều kiện cho nhân dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Như: Chương trình 132, 134, 135, 167, 67, Chương trình định canh – định cư, giảm nghèo nhanh và bền vững, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Đồng thời nhiều mô hình về các loại giống cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao cũng được triển khai rộng rãi để nhân dân tiếp cận và đẩy mạnh phát triển sản xuất, như: trồng cao su tiểu điền, cây mắc ca, nuôi cá lồng bè… Bên cạnh đó, Huyện cũng chú trọng nâng cao đời sống tinh thần cho người dân; y tế, giáo dục, văn hóa được quan tâm đầu tư; an sinh xã hội được đảm bảo. Đặc biệt kể từ khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nhân dân đã hưởng ứng tích cực bằng việc hiến đất, góp công, góp của để chung tay thực hiện; từ đó làm diện mạo nông thôn của các xã vùng sâu đã có nhiều thay đổi, nhất là về cơ sở hạ tầng. Hiện huyện Kbang cũng đang tập trung ưu tiên các chính sách để phát triển kinh tế – xã hội ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn.

 “Thứ nhất là làm chuyển đổi cách nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc trong vùng sâu, vùng xa và lồng ghép các chương trình đầu tư của nhà nước; quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động trẻ, lao động nữ là người đồng bào dân tộc để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Về đời sống xã hội thì quan tâm đến vấn đề giáo dục, đào tạo nguồn cán bộ trong đồng bào dân tộc; thứ ba là giữ gìn bản sắc văn hoá, tinh thần. Thì đó là một số vấn đề trong thời gian sắp tới sẽ có chỉ đạo cụ thể để phát huy trong cả chính trị, kinh tế, xã hội trong đồng bào dân tộc để cho công cuộc đổi mới đất nước ngày càng toàn diện hơn”. Ông Lê Ngọc Thành-Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kbang chia sẻ.

 

Có thể thấy, trong những năm qua, từ những Chương trình, Dự án phát triển kinh tế – xã hội được triển khai đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt và đời sống của nhân dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kbang. Từ đó ngày càng tăng thêm niềm tin của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; góp phần cho sự phát triển chung của địa phương./. 

Đức Hải (Đài TT-TH Kbang)


Lượt xem: 104

Trả lời