Kbang ngăn chặn tình trạng tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật 17/6/2022, 09:06:23

Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Kbang tình trạng bà con dân tộc thiểu số tự tử vẫn còn xảy ra. Vấn nạn này để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Do đó, các cấp, các ngành trong huyện cần tăng cường triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Căn bếp của gia đình chị Đinh Thị Nguôn – sinh năm 1994 – ở làng Hà Đừng 2 (xã Đak Rong, huyện Kbang) khó đỏ lửa trong những ngày trời mưa. Bởi cơn lốc cách đây vài ngày đã làm bay mất tấm tôn lợp bếp, mà những cơn mưa rừng thì dai dẳng, làm bếp ướt sũng. Việc lợp lại tấm tôn sẽ không mấy khó khăn nếu chồng chị không tự tử vì một lý do hết sức vụn vặt.

Chị Đinh Thị Nguôn, Làng Hà Đừng 2, xã Đak Rong – Kbang nói: “Sau khi đi uống rượu về, bực tức vì vợ chưa kịp nấu và dọn cơm cho ăn, chồng mình đã đá xoong nồi, sau đó tự tử”.

Bà Đinh Thị Xoan – mẹ của chị Đinh Thị Nguôn, Làng Hà Đừng 2, xã Đak Rong – Kbang cũng cho biết: “ Sau khi con rể Đinh Văn Choih – sinh năm 1991 tự tử vào tháng 2/2022, gia đình càng gặp nhiều khó khăn. 4 con người, gồm vợ chồng mình đã già yếu cùng con gái và đứa cháu ngoại chưa đầy một tuổi sống trong căn nhà tạm bợ; dù có đất nhưng không có người làm nên thu nhập của gia đình từ 2 sào lúa ruộng, 5 sào mỳ, một ít lúa rẫy …  chẳng đáng là bao. Gia đình mình thuộc diện hộ nghèo nhất làng”.

Đak Rong là xã vùng sâu của huyện Kbang, đời sống của một bộ phận bà con dân tộc thiểu số còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, nhận thức về cuộc sống cũng như hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, đặc điểm tính cách, tâm lý của người Bahnar thường tự ti và  mặc cảm … là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tự tử xảy ra ngày càng nhiều trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chiếm phần lớn là người Bahnar. Chỉ tính từ đầu năm 2020 đến 5/2022, trên địa bàn xã Đak Rong đã xảy ra 25 vụ tự tử, làm chết 25 người. Trong đó nhiều nhất là ở làng Hà Đừng 1, tiếp đến là làng Hà Đừng 2, làng Kon Lanh. Qua thống kê hàng năm cho thấy, hiện tượng tự tử có xu hướng gia tăng ở một số làng. Nghiêm trọng hơn, hiện tượng này còn có dấu hiệu lan sang các làng khác trong xã. Điều đó tác động không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Đak Rong, Kbang cho biết: “Xác định nguyên nhân tự tử là từ mâu thuẫn nên xã cũng đã triển khai cho các tổ tự quản, tổ hòa giải, đặc biệt là thành lập tổ phản ứng nhanh nữa để thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân ở các thôn làng. Khi phát hiện thì tổ sẽ xuống trực tiếp nắm tình hình, trao đổi với gia đình, từ đó giải quyết khó khăn, mâu thuẫn thì sẽ hạn chế được tình trạng tự tử xảy ra”.

 Từ năm 2020 đến 5/2022, tổng số vụ tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kbang là 65 vụ, làm chết 64 người; tự tử trở thành hiện tượng xã hội đáng báo động, để lại nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động tiêu cực này; trong đó có hơn 80% vụ tự tử có liên quan đến bia, rượu. Với sự tập trung vào cuộc, quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, hi vọng rằng tình trạng tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kbang sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi./.

CTV Minh Ngân – Hồng Hạnh (Huyện Kbang)


Lượt xem: 7

Trả lời