Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường công tác quản lý đất đai

Cập nhật 07/3/2023, 16:03:21

Sau một thời gian đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo các cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Một trong những vấn đề mà các cấp và người dân ở tỉnh Gia Lai mong muốn đó là Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần có những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn ở cơ sở; nhất là đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho cấp cơ sở nhằm thắt chặt và làm tốt hơn nữa công tác quản lý đất đai trên địa bàn.

Xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) là địa bàn giáp ranh với TP. Pleiku khi có thông tin hoặc khi các dự án được triển khai thì tình trạng mua bán, sang nhượng đất đai diễn ra tương đối rầm rộ. Trên thực tế là đất tại địa phương song theo quy định, việc thực hiện các giao dịch về mua bán, sang nhượng đất không nhất thiết phải thông qua chính quyền địa phương nên rất khó cho UBND xã trong công tác quản lý. Do đó, để giúp các địa phương thực hiện tốt công tác này trên địa bàn thì cần có những điều chỉnh cho phù hợp đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.

Ông Đặng Lương Minh Điệp – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dêr, huyện Ia Grai trao đổi: “Cũng mong muốn qua việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai lần này thì các cấp, các ngành xem xét có điều chỉnh để vừa cho người sử dụng đất, vừa tạo điều kiện cho công tác quản lý của các địa phương được chặt chẽ hơn và phù hợp với tình hình, xu thế phát triển kinh tế – xã hội.”

Do chưa có sự phân cấp, phân quyền cụ thể, rõ ràng trong quản lý nên dẫn đến địa phương cấp cơ sở gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát những biến động về đất đai trên địa bàn được giao quản lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các tình trạng đầu cơ đất, phân lô bán nền từng diễn ra trên địa bàn TP.Pleiku và tại các địa phương lân cận. Thông qua việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng mong muốn cần có những quy định cụ thể cho từng cấp, ngành trong quản lý đất đai, nhất là đối với cấp cơ sở; đồng thời, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, tránh tình trạng đầu cơ, găm đất ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Ông Đỗ Văn Luân – Tổ 9, phường Hoa Lư, TP. Pleiku nói: “Đề nghị Nhà nước cần đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền rõ ràng trong quản lý đất đai; tôi nói như là cấp cơ sở thì có những quyền gì và quản lý như thế nào để làm sao trong quá trình thực hiện không xảy ra tình trạng đầu cơ đất, lũng đoạn đất đai, tránh để làm mất tình hình an ninh chính trị tại địa phương; cái thứ hai nữa là mất cán bộ vì mất cán bộ là ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Vậy nên chúng tôi rất mong tới đây, Đảng, Nhà nước tới đây thực hiện Luật Đất đai cần thực hiện vấn đề này thật chặt chẽ, triệt để.”

Ông Nguyễn Đức Quang – Tổ 6, phường Diên Hồng, TP. Pleiku đề nghị: “Đối với tỉnh Gia Lai thì trong những năm vừa qua tôi thấy cũng có những bước tiến bộ. Tuy nhiên cũng do việc phân cấp, phân quyền chưa thật sự rõ ràng, khoa học, cụ thể nên có một số cán bộ lợi dụng chức quyền của mình có thể là vô ý hoặc là cố ý làm sai luật nên chúng ta cũng mất nhiều cán bộ trong vấn đề quản lý đất đai. Cho nên tôi cũng đề nghị với Quốc hội có những điều chỉnh và thật sự phân cấp, phân quyền thực chất, khách quan, khoa học để dễ thực hiện và khi thực hiện có tính khả thi cao”

Ông Vương Văn Minh – Tổ 6, phường Tây Sơn, thị xã An Khê mong muốn: “Bản thân tôi thì cũng kiến nghị với các cấp, các ngành cần quan tâm đến công tác quản lý đất đai; đặc biệt là vấn đề phân lô, bán nền. Qua việc lấy ý kiến góp ý về Luật Đất đai lần này thì cũng mong muốn các cấp cần quản lý chặt chẽ không để những việc nhỏ mà ảnh hưởng đến vấn đề an ninh trật tự.”

Theo quy định, đất đai là sở hữu của toàn dân do Nhà nước quản lý. Qua gần 10 năm triển khai thực hiện bên cạnh những thuận lợi thì Luật Đất đai năm 2013 cũng đã bộc lộ những hạn chế và nhiều nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Do đó, việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó, người dân mong muốn các cấp, ngành chức năng sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở từng vùng, địa phương nhằm đảm bảo quyền cho cá nhân, tổ chức được giao sử dụng đất và cho sự phát triển chung của đất nước

Đức Hải – Huy Toàn


Lượt xem: 5

Trả lời