Giảm nghèo-Thách thức và nỗ lực của các xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới

Cập nhật 20/8/2014, 16:08:20

Để được công nhận là xã nông thôn mới, 1 trong 19 tiêu chí quan trọng mà các xã phải nỗ lực thực hiện đó là giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 7%. Thực tế thời gian qua trong quá trình phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí của nông thôn mới, với đặc thù về kinh tế- xã hội, đặc điểm dân cư của địa phương, không chỉ các xã vùng đặc biệt khó khăn mà cả các xã nằm gần trung tâm huyện vì nhiều nguyên nhân cũng gặp không ít khó khăn trong thực hiện tiêu chí giảm nghèo. 

 

Chăm sóc cây tiêu.

 

Xã IaPhang, huyện Chư Pưh là một trong những xã đạt nhiều tiêu chí và được chọn để tập trung ưu tiên đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay. Đây là địa phương có tuyến quốc lộ 14 đi qua với trên 66% số dân là đồng bào Jrai.  Nếu như năm 2011, hơn 37% hộ dân của xã là hộ nghèo thì đến cuối năm 2013 từ nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị địa phương, cộng với sự vươn lên phát triển kinh tế của người dân, số hộ nghèo giảm còn 13,7%. Việc tiếp tục giảm tỉ lệ hộ nghèo là một trong 6 tiêu chí còn lại mà địa phương đang nỗ lực phấn đấu thực hiện. Để đạt tiêu chí trên, xã Ia Phang phải phấn đấu giảm thêm ít nhất 6% số hộ nghèo. Đây là một thách thức không hề đơn giản.  

 

Trao đổi về vấn đề này Ông Nguyễn Văn Đức-PCT UBND xã Ia Phang, huyện Chư Pưh bộc bạch: “Số hộ nghèo còn lại của xã chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Đáng nói là 2 làng của xã người dân thuộc diện xã hội bị bệnh phong, cùi đặc biệt khó khăn, người dân hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, không có khả năng lao động nên việc họ thoát nghèo sẽ rất khó khăn. Xã sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho người dân thoát nghèo nhưng dù nỗ lực cố gắng thì đến năm 2015 mới đạt được tiêu chí này”.

 

Không chỉ xã Ia Phang, huyện Chư Pưh mà hiện nay trong quá trình xây dựng nông thôn mới, không những các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số mà cả một số xã ở gần trung tâm huyện của tỉnh Gia Lai cũng gặp không ít khó khăn trong thực hiện tiêu chí giảm nghèo. Bên cạnh phần lớn hộ nghèo còn lại là người dân tộc thiểu số, xuất phát điểm của người dân thấp thì còn tình trạng thiếu đất sản xuất, không có khả năng lao động, thậm chí là lười lao động….

 

Gia đình chị Rơ Lan Đen ở làng Ó, xã IaDrăng, huyện ChưPrông là một trường hợp. Nhà nghèo, đông con, chồng không có khả năng lao động kiếm tiền nên cái đói cái nghèo cứ luôn đeo bám.

 

“Chồng mình bị điên không đi làm được, mình có tới 3 đứa con nhỏ. Mình phải ở nhà giữ con nên không có tiền. Thiếu gạo thì mượn người trong làng chứ biết làm sao bây giờ …”Chị Rơ Lan Đen – Làng Ó,  xã Ia Drăng, huyện Chư Prông tâm sự.

 

Nói về việc giảm nghèo ở xã, Ông Trịnh Quốc Thanh – PCT UBND xã Ia Drăng, huyện  Chư Prông cho biết: “Xã  hiện còn 13% hộ nghèo, trong đó 80% hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Xã đã đặt ra các giải pháp về đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo trên địa bàn. Cụ thể là chia thành các nhóm giải pháp với từng loại đối tượng phù hợp để có sự đầu tư, giúp đỡ hợp lý. Tuy nhiên, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 7% cũng là điều không hề đơn giản vì đại đa số thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số…”.

 

Đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Gia Lai giảm còn 17,2% với gần 53.400 hộ nghèo. Đáng quan tâm là có đến 83% hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Có thể nói, để giảm tỉ lệ hộ nghèo một cách thực sự bền vững qua từng năm, từ đó thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, bên cạnh các chương trình đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước nhằm tạo đòn bẩy giúp người dân vươn lên thì cần sự chung tay giúp sức của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Đặc biệt, một trong những giải pháp quan trọng và là nhân tố quyết định đó là tiếp tục tạo điều kiện giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức để từng bước làm thay đổi cách nghĩ cách làm và ý thức tự lực vươn lên của người dân. Có như vậy thì cuộc sống của người dân mới thật sự được cải thiện và nâng cao./.

Thiên Thanh-Duy Linh-Thanh Sáng


Lượt xem: 38

Trả lời