Gia Lai tập trung ứng phó với cơn bão số 9

Cập nhật 28/10/2020, 18:10:43

Bão số 9 đổ bộ vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên và khu vực Bắc Tây Nguyên. Chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 9, từ chiều tối ngày (27/10) và trong ngày (28/10), trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có mưa to kèm theo gió giật mạnh. Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp, tập trung ứng phó với cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Theo số liệu thống kê của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, trong ngày 28/10 trên địa bàn toàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to đến rất to; kèm theo là gió giật mạnh và lưu lượng nước ở các sông suối đã tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết: “Theo lượng mưa đo được tại khu vực phía Tây đo được là 30 đến 60 mm; các huyện phía Tây Nam là từ 70 đến 100mm; riêng khu vực phía Đông lượng mưa từ 100 đến 170mm, riêng tại An Khê đo được là 163mm; còn lượng gió đo được là cấp 8 và giật cấp 9 và mực nước ở trên các sông thì chủ yếu mức báo động 1”.

Ông Đoàn Tân – Phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa nói: “Tôi sống ở Ayun Pa cũng lâu rồi mà chưa thấy cơn bão nào gió to, làm trốc đổ cây rồi, rồi bay mái tôn nhà dân, tôi thấy cơn bão này quá lớn”.

Anh Huỳnh Tấn Công – Xã Đông, huyện Kbang cũng bày tỏ: “Gió lốc lớn, người đứng mà còn bay luôn, mía, mỳ là bị ngã rạp hết. Nói chung là chưa có năm nào mà gió to thế”.

Trước những dự báo, diễn biến của cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, các ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động và tập trung triển khai các biện pháp ứng phó, phòng chống theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn hoả tốc số 2188 và Công điện khẩn số 11 về triển khai thực hiện Công điện 1490 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương ứng phó cơn bão số 9 với phương châm 4 tại chỗ.

Ông Đinh Xuân Duyên – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Pa nói: “Trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện cũng đã có chỉ đạo các thành viên BCĐ phòng chống thiên tai của huyện và các xã tổ chức trực ban 24/24 và chỉ huy các lực lượng quân đội, công an kiểm tra các điểm xung yếu”.

Ông Ksor Suy – Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho biết: “Huyện Ia Pa đã củng cố lại BCĐ và họp để phân công cho từng thành viên phụ trách các xã; đồng thời thành lập các đoàn đi kiểm tra tại các điểm trọng điểm; phân công, bố trí lực lượng trực 24/24 và tổ chức nắm tình hình đời sốngcủa người dân và bố trí các khu vực có nguy cơ cao để kịp thời sơ tán người dân khi có yêu cầu”.

Sau khi có các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Gia Lai đã triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 9, ngay trong ngày 28/10, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã thành lập các đoàn đi kiểm tra và chỉ đạo các biện pháp phòng, chống cơn bão số 9 nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra.

Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, Phó Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh trao đổi: “Chúng tôi đã thành lập các đoàn, và vào sáng nay, đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra và chúng tôi đi các địa phương để chỉ đạo  và kích hoạt toàn bộ hệ thống chính trị ở cơ sở để triển khai các biện pháp với phương châm 4 tại chỗ. Còn đối với 352 hồ đập trên địa bàn tỉnh thì đã chỉ đạo các chủ hồ đập xả lũ đúng quy trình để đảm bảo an toàn hồ đập và khu vực hạ lưu”.

Dù đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, phòng chống song mưa to, kèm theo gió giật mạnh do cơn bão số 9 cũng đã gây ra nhiều thiệt hại. Theo số liệu thống kê ban đầu của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tính, ảnh hưởng của cơn bão số 9, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có 01 người dân tử vong tại TP.Pleiku do bị sập tường trong khi tránh trú bão. Ngoài ra, 1 ngôi nhà dân bị sập hoàn toàn, 109 căn nhà bị tốc mái; trong đó, bị thiệt hại nặng nhất là huyện Kbang, Kông Chro, Phú Thiện, TP.Pleiku… nhiều công trình hạ tầng cơ sở của Nhà nước cũng bị thiệt hại. gần 350 ha hoa màu của người dân bị ngã đổ, thiệt hại. Nhiều tuyến đường liên xã, ngầm tràn bị ngập khiến một số khu dân vực bị cô lập tạm thời.

Tối nay, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và sẽ tiếp tục gây mưa lớn, do đó, các ngành, địa phương và người dân cần chú ý đề phòng hoàn lưu sau bão, nhất là lũ quét trên các sông suối và sạt lở đất ở các địa phương có nguy cơ cao như: Ayun Pa, Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa và Chư Prông.

Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết thêm: “Lũ trên các sông thì chiều và tối 28/10 thì sẽ đạt đỉnh; tại khu vực An Khê thì đạt báo động 3; tại trạm sông Ayun và tại Ayun Pa thì xấp xỉ báo động 3 cho nên bà con cần chú ý các cảnh báo và không nên đi qua các sống suối nhỏ vì lũ dâng lên rất cao”.

Có thể thấy dù đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, phòng, chống song có thể thấy cơn bão số 9 với sức gió quá mạnh đã gây thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh Gia Lai.  Ngay trong ngày hôm nay UBND tỉnh, cùng các cấp ủy, chính quyền các cấp đã tiếp tục chỉ đạo các biện pháp cấp bách sớm khắc phục hậu quả mà cơn bão số 9 gây ra, bên cạnh đó tiếp tục chuẩn bị các phương án đối phó với hoàn lưu của bão số 9./.

Nhóm PV


Lượt xem: 46

Trả lời