Gia Lai khai thác tiềm năng về phát triển rau, hoa, quả

Cập nhật 19/9/2020, 09:09:21

Với diện tích tự nhiên hơn 15.500 km2, trong đó có trên 800.000 ha đất sản xuất nông nghiệp; tỉnh Gia Lai được thiên nhiên ưu đãi với loại hình đất đỏ bazan rộng lớn, màu mỡ cùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, dồi dào về độ ẩm, có lượng mưa lớn, có nhiều sông suối, thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng; trong đó có rau, hoa và cây ăn quả. Tận dụng lợi thế này, trong những năm qua, tỉnh Gia Lai đã và đang khai thác tiềm năng về phát triển rau, hoa, quả của địa phương; và thực tế cho thấy rau, hoa tươi và cây ăn quả cũng đã đóng vai trò tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh.

Theo thống kê, diện tích rau, hoa các loại hằng năm của tỉnh Gia Lai có trên 27.000 ha; trong đó chủ yếu ở các vùng sản xuất tập trung An Khê, Đak Pơ và Pleiku. Cùng với đó, diện tích cây ăn quả cũng hiện có hơn 14.900 ha với nhiều loại như bơ, sầu riêng, mít, chuối, thanh long, chanh dây…. Tổng diện tích rau, hoa, quả chiếm trên 7,8% diện tích cây trồng của tỉnh; tuy nhiên, tình hình sản xuất, tiêu thụ rau, hoa, quả trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, sản xuất phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Trước thực tế này, với mục tiêu để nâng tầm giá trị các sản phẩm rau, hoa, quả của tỉnh; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11/11/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 15 về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 đã được ban hành. Với nghị quyết này, nhiều địa phương trong tỉnh đã có kế hoạch riêng cụ thể phù hợp với tình hình thực tế.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê cho biết: “Chúng tôi xác định vùng chuyên canh rau với nhãn hiệu rau An Khê tại vùng An Bình với HTX An Bình; đồng thời chúng tôi xác định vùng cây ăn quả ở Cửu An gắn với 1 số cây bản địa như cây dâu da đỏ để hình thành vùng du lịch nông nghiệp; và vùng thứ 3 chúng tôi xác định đó là vùng cây hoa của hội những người trồng hoa của Ngô Mây gắn với mô hình Nông hội về hoa. Đây là vùng triển vọng rất lớn về hoa của An Khê bởi thế mạnh của chúng tôi đó là có nghề trồng hoa lâu đời”.

Một chuyển động tạo đà cho thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 11/11/2019 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa 15 đó là việc khánh thành Trung tâm chế biến rau quả Doveco thuộc Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang. Với công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm và kỳ vọng mang về kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100 triệu USD/năm; việc đi vào hoạt động của Trung tâm chế biến rau quả Doveco sẽ tạo điều kiện giới thiệu các loại rau, quả đặc sản có lợi thế của khu vực Tây Nguyên, đồng thời dần từng bước định vị và khẳng định thương hiệu rau, quả của Gia Lai trên thị trường. Đặc biệt với lô hàng Chanh leo đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức được Bộ NN&PTNT công bố xuất đi vào hôm 16/9 vừa qua tại Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao mở ra triển vọng và cơ hội cho xuất khẩu rau quả nói chung, chanh leo nói riêng của Việt Nam sang EU trong thời gian tới; góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của quốc gia và của tỉnh.

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường Nông sản, Bộ NN&PTNT khẳng định: “Có thể nói Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU là một Hiệp định có cam kết cao nhất từ trước đến nay mà chúng ta đã ký kết với các đối tác quốc tế; và ngay từ ngày 01/8 khi mà Hiệp định triển khai thực thi có hiệu lực thì ngành Nông nghiệp đã nhận định đây là một cơ hội rất lớn, một cú hích rất lớn để nông sản của Việt Nam tạo điều kiện cho tăng trưởng của chúng ta và chiếm lĩnh thị phần trên thị trường quốc tế”.

Tận dụng cơ hội này, Gia Lai sẽ chú trọng đến công tác chế biến cho nông sản của tỉnh với con đường chế biến tinh, chế biến sâu; đặc biệt với mặt hàng rau, quả để vượt qua những rào cản kỹ thuật của cả những thị trường khắt khe nhất như EU, đưa sản phẩm vươn ra thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Quốc Toản nói thêm: “Chúng ta coi đây là một cú đột phá và chúng ta tận dụng mọi cơ hội của Hiệp định. Trước mắt là các lợi thế về mặt thuế quan, nhưng đi kèm với đó là tới đây chúng ta phải vượt qua những rào cản về kỹ thuật và con đường chế biến tinh, chế biến sâu chính là một con đường ngắn nhất để chúng ta thu hẹp khoảng cách và vượt qua những rào cản kỹ thuật đó. Bên cạnh đó thì chế biến sâu trong lĩnh vực rau quả cũng sẽ tạo ra giá trị gia tăng và khẳng định sức cạnh tranh của rau quả Việt Nam trên thị trường quốc tế”.

Khai thác tiềm năng để phát triển và nâng tầm giá trị các sản phẩm rau, hoa, quả của địa phương; với mục tiêu đặt ra theo Nghị quyết số 10-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa 15, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Gia Lai đặt ra đó là thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết phát triển sản xuất các vùng nguyên liệu rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh ổn định, bền vững, hiệu quả./.

 Mỹ Tiến, Huy Toàn


Lượt xem: 143

Trả lời