Gia Lai- Hiệu quả 10 năm thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong ĐBDTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”

Cập nhật 16/9/2021, 17:09:28

Theo kế hoạch, ngày mai (17/9), tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai. 10 năm, với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, việc triển khai Cuộc vận động này đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, đây là nét riêng biệt và đặc sắc của Gia Lai trong việc triển khai công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS; góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với những chủ trương đúng đắn, những chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Sau đây là phóng sự điểm lại những kết quả sau 10 năm triển khai Cuộc vận động có ý nghĩa chính trị, kinh tế-xã hội sâu sắc này.

Để từng bước giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từ năm 2011 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh Gia Lai đã nỗ lực khảo sát thực trạng hộ nghèo, thực tiễn địa phương, từ đó xây dựng và duy trì được hơn 400 mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cả lĩnh vực kinh tế và đời sống văn hóa – xã hội, với sự tham gia của gần 18.300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Tiêu biểu như: Huyện Kbang đã xây dựng được 137 mô hình và nhân rộng 37 mô hình hiệu quả cao, như: “Trồng chuối ghép mô”, “Nuôi dê sinh sản”, “Không có người tự tử”, “Điện thắp sáng”; huyện Phú Thiện xây dựng được 54 mô hình và nhân rộng 41 mô hình, như: “Cánh đồng một giống đối với cây lúa”, “Di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn”, “Vườn rau an toàn”; huyện Kông Chro xây dựng được 48 mô hình và nhân rộng 25 mô hình, như: “Nuôi dê sinh sản” , “Trồng lúa nước”…

Bà Phạm Thị Lan – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết: “Phải khẳng định: Đây là 1 cuộc vận động hết sức ý nghĩa được lãnh đạo Tỉnh, các cấp ngành, chính quyền các địa phương mà đặc biệt là bà con đồng bào DTTS đánh giá cao.Cuộc vận động đã tạo sự lan tỏa lớn, tuy những năm đầu còn khó khăn ở cơ sở do cách thức triển khai, nhưng đến nay, nó đã trở thành nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của Mặt trận các cấp và các đoàn thể.

Với phương châm xuyên suốt là thay vì cho “con cá” hãy trao cho hộ nghèo “cần câu”, thì các địa phương đã có những cách làm phù hợp với điều kiện của từng hộ, từng vùng, tạo cho họ ý thức vươn lê thoát nghèo bằng nội lực của mình, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, xã hội”.

Điều đáng quý hơn là cuộc vận động đã tác động mạnh mẽ đến ý thức, suy nghĩ, tập quán của người đồng bào dân tộc thiểu số; một bộ phận người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Qua 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động, các ngành, địa phương đã giúp hơn 29.500 hộ DTTS tiến bộ vươn lên thoát nghèo. Họ chính là minh chứng thiết thực nhất cho nếp nghĩ, cách làm mới; là vốn kinh nghiệm thực tế để bà con buôn làng học tập và làm theo.

Chị Ksor H’Duy – Làng Breng 2, xã Ia Der, huyện Ia Grai cho biết: “Trước đây gia đình cũng là hộ nghèo, đến nay thoát nghèo rồi, vợ chồng tôi cũng mong muốn phấn đấu hơn nữa để kinh tế gia đình ổn định, rồi sau này lo cho con cái”.

Ông Rơ Mah Yê – Làng Pnuk, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ chia sẻ: “Cũng mong muốn được tập huấn, nâng cao kỹ thuật, để làm kinh tế tốt hơn. Để từ đó bà con thấy, bà con noi theo. Giờ trong làng bà con làm theo tôi cũng nhiều rồi. Nên tôi rất vui mừng khi mình làm được có hiệu quả”.

Già làng Khê – Làng Ea Luh, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah nói: “Tôi đi vận động thì bà con cũng nghe, cũng hỏi nhiều cái.  Nói chung vận động bà con, họ cũng vui vẻ, người có đất thì họ cố gắng làm, người không có, nhất là thanh niên á, bữa nay cũng đi kiếm việc làm. Theo tôi thấy thì ai cũng muốn làng mình phát triển. Làng bữa nay đỡ đỡ rồi, thay đổi nhiều”.

Có thể nói, cuộc vận động làm thay đổi một cách căn bản nếp nghĩ, cách làm, tư duy sản xuất, sinh hoạt, đời sống theo hướng tiến bộ trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.Những kết quả quan trọng đã đạt được là tiền đề để triển khai hiệu quả hơn. Đặc biệt là trong thời gian tới, tỉnh triển khai cuộc vận động gắn với việc thực hiện các chương trình, nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, chính quyền liên quan đến công tác giảm nghèo, nhất là Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới để góp phần tạo sự chuyển biến căn bản, sâu sắc và toàn diện hơn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh./.

Trương Trang, Phi Long


Lượt xem: 108

Trả lời