Dự án phát triển trẻ thơ – Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ

Cập nhật 22/6/2018, 08:06:13

Với mục tiêu lấy trẻ làm trung tâm, sau 6 năm triển khai, Dự án phát triển giáo dục Mầm non trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ hỗ trợ cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục ở các xã vùng sâu mà triển khai có hiệu quả các mô hình, sáng kiến nâng cao trách nhiệm của gia đình, cộng đồng đối với trẻ em.

Với đặc thù của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhiều hạn chế, rào cản ảnh hưởng đến việc phát triển trẻ thơ toàn diện, Dự án do Chính phủ New Zealand tài trợ với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức Plan Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai thực hiện là động lực quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng khó khăn.

Một trong những kết quả nổi bật qua 6 năm triển khai Dự án phát triển giáo dục Mầm non tại 19 trường học ở 4 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai là việc nhân rộng mô hình thư viện thân thiện và sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học. Đến nay sức lan toả và hiệu quả của hai mô hình này rất mạnh mẽ, 100% trường tiểu học ngoài dự án đã áp dụng mô hình thân thiện. 122 thư viện đã được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận thư viện đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây được xem là một trong các cơ hội phát triển ngôn ngữ tốt nhất cho học sinh vùng dân tộc thiểu số.

Anh Nguyễn Tiến Bình – Chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kbang cho biết: “Dự án này có một cái đặc biệt là sau khi dự án kết thúc riêng mô hình sinh hoạt chuyên môn và thư viện thân thiện cho tất cả các trường được phát triển, mở rộng và duy trì một cách rất tốt. Chúng tôi xác định vai trò và tầm quan trọng của thư viện là cơ hội rất tốt để phát triển ngôn ngữ cũng như phát triển nhận thức. Thông qua hoạt động của thư viện đi cùng với các giải pháp rất mạnh của địa phương hiện nay chúng tôi thấy sự chuyển biến về ngôn nhữ của các em rất tốt so với trước, hạn chế tình trạng ngồi nhầm lớp trước đây”.

Khởi động từ tháng 6/2012, với tổng kinh phí 9,5 triệu đô la New Zealand, Dự án phát triển giáo dục Mầm non được triển khai tại 7 xã thuộc 4 huyện, thị gồm Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê. Dự án đã tập trung vào các hoạt động nhằm can thiệp vào sự phát triển toàn diện của trẻ thông qua các sáng kiến của cộng đồng. Cơ sở vật chất chất tại các trường học vùng dự án được đầu tư đồng bộ, năng lực của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao; môi trường phát triển ngôn ngữ cho trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp được tăng cường… Với mục tiêu tổng thể là kết quả phát triển của trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số vùng khó khăn nhất được cải thiện và nâng cao, đến nay 100% mục tiêu của dự án đã hoàn thành, các chỉ số mong đợi khi thiết kế dự án vượt mức đề ra.

Bà Wendy Matthews-Đại sứ New Zealand tại Việt Nam nói: “Tôi rất vui khi được thấy được những kết quả mang lại từ dự án này. Nó không chỉ thể hiện ở khả năng học tập của các em học sinh mà còn thể hiện ở cơ sở vật chất của các trường được xây mới khang trang hơn. Dự án này đã bắt đầu tù việc chúng tôi đã đào tạo các nhóm cha mẹ để có thể hiểu và tương tác với các em tốt hơn, từ đó tiếp tục chúng tôi đào tạo đến đội ngũ giáo viên để có thể tương tác và dạy học cho các em một cách hiệu quả nhất. Chúng tôi đã thấy dự án thành công, điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là sự hợp tác và sự chủ động của tỉnh để triển khai có hiệu quả dự án này”.

Bà Bùi Khoa Nghi – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cho biết: “Qua 6 năm triển khai dự án có nhiều kết quả đáng được ghi nhận, đặc biệt là làm thay đổi bộ mặt của 7 xã thuộc 4 huyện tham gia dự án, thay đổi nhận thức của phụ huynh học sinh, cha mẹ trẻ có nhiều kiến thức trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Đặc biệt cơ sở vật chất môi trường khang trang sạch đẹp, có nhiều trang thiết bị góp phần làm tốt công tác huy động trẻ ra lớp, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Số trẻ tiểu học nắm được Tiếng việt và làm Toán tốt hơn. Đó là yếu tố huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100% đối với các trường dự án và số trẻ 3,4 tuổi ra lớp đạt trên 85% , đặc biệt là nâng cao nhận thức của phụ huynh học sinh, họ rất muốn đưa con em đến trường học và tổ chức ăn bán trú tại trường”. 

Hiệu quả mà dự án mang lại là rất lớn, giúp chuyển biến và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em; môi trường giáo dục tại các địa phương trong vùng dự án thay đổi tích cực, tạo điều kiện và cơ hội để trẻ phát triển toàn diện. Kết thúc 6 năm triển khai dự án, những kết quả đạt được là tiền đề để tỉnh Gia Lai tiếp tục nhân rộng  và phát triển các mô hình giáo dục, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ một cách toàn diện./.

Kim Châu, R’Piên

 


Lượt xem: 43

Trả lời