Đoàn thanh niên huyện Chư Sê với phong trào lập thân, lập nghiệp

Cập nhật 24/5/2019, 10:05:39

Phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp là một trong 3 phong trào lớn được các cấp bộ đoàn hỗ trợ, đồng hành để thanh niên phát triển kinh tế. Tại huyện Chư Sê, phong trào đang ngày một lớn mạnh với sự mạnh dạn, ham học hỏi của  mỗi đoàn viên, thanh niên góp phần cải thiện kinh tế gia đình cũng như là động lực để các bạn trẻ học tập, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả.

Trên diện tích vườn nhà hơn 1,5 ha, anh Nguyễn Quang Hạnh, thôn An Lộc, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê đầu tư trồng cà phê, tiêu xen cây ăn trái. Do ảnh hưởng thời tiết, sâu bệnh một số diện tích tiêu bị chết nhưng sầu riêng, bơ đã cho thu hoạch, nhờ thế kinh tế gia đình cũng ổn định. Bên cạnh đó, bản thân anh luôn tích cực học hỏi khoa học kỹ thuật áp dụng chăm sóc cà phê cho năng suất cao.

Anh Hạnh cho biết: “Phát triển kinh tế gia đình thì chủ yếu làm nông nghiệp, phát triển cây có thu nhập ổn định. Vận động thanh niên trong thôn phát triển kinh tế. Chăm sóc cây công nghiệp cũng đi học hỏi kỹ thuật rất nhiều, tham quan những mô hình điển hình để mình áp dụng cho gia đình cũng như là chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người.”

Trong phong trào lập thân, lập nghiệp, nhiều đoàn viên, thanh niên mạnh dạn thay đổi nhằm tìm ra hướng đi mới. Bản thân anh Quách Văn Luân, thôn Tân Tiến, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê đang triển khai mô hình nuôi dê, dúi và dế. Với những con vật còn khá mới ở địa phương nhưng từ niềm đam mê, sự quyết tâm, mô hình đã mang lại những hiệu quả bước đầu.

Anh Quách Văn Luân –  Thôn Tân Tiến, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết:  “Vợ chồng ban đầu trồng cà phê để tạo nền tảng kinh tế, hiện tại mô hình nuôi dúi, dê để giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn. Vốn vay được 50 triệu tôi đầu tư con dê, xong dê phát triển kinh tế khá nhanh sau đó đầu tư vào dúi.”

Cùng với nỗ lực của mỗi đoàn viên, thì huyện đoàn cũng thường xuyên thực hiện các buổi tham quan, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ cây, con giống cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách – Xã hội tạo điều kiện vay vốn đầu tư làm ăn. Tính đến nay, tổng dư nợ mà huyện đoàn quản lý hơn 40 tỷ đồng với hơn 2.000 đoàn viên, thanh niên được vay.

Anh Nay Winh – Phó Bí thư Huyện đoàn Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Trong phong trào lập thân, lập nghiệp đối với huyện Chư Sê trong thời gian qua đã phối kết hợp với các ban, ngành, trường lâm nghiệp tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp cho các bạn đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện giải ngân cho thanh niên có nhu cầu vay vốn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.”

 Với các chương trình, hoạt động được Huyện đoàn Chư Sê thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay nhiều thanh niên vẫn gặp khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trước tình trạng hồ tiêu chết do bệnh dịch, thời tiết, bởi thị trường đầu ra cho sản phẩm không ổn định. Và đây cũng là khó khăn chung của nhiều người dân trên địa bàn huyện rất cần các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ.

Thúy Diện, Huy Toàn

 

 


Lượt xem: 52

Trả lời